Du lịch TP.HCM: Đánh thức những điểm đến bất ngờ
Sở Du lịch TP.HCM gia tăng trải nghiệm thông qua điểm đến mới, các sản phẩm du lịch mới cho du khách.
Cùng với cả nước, sau đại dịch, TP.HCM đã và đang triển khai nhiều hoạt động du lịch nhằm thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển, bứt phá. Bên cạnh kết nối lại các chương trình du lịch liên vùng, TP.HCM chú trọng xây dựng các “đặc sản” du lịch tại địa phương nhằm hấp dẫn du khách.
Nhiều điểm check-in
Đáp ứng nhu cầu khám phá sản phẩm mới, hấp dẫn ngay tại “sân nhà”, ngành du lịch TP đã luôn sáng tạo để tìm ra những sản phẩm mới, lạ, mang tính đột phá.
Theo đánh giá của doanh nghiệp (DN) du lịch, chưa bao giờ hoạt động du lịch của TP.HCM lại sống động như hiện nay. Ngành du lịch đã giới thiệu hơn 60 sản phẩm du lịch nội đô đang được TP đưa vào khai thác và có 30 sản phẩm mới của 20/22 quận, huyện phục vụ du khách đi và về trong ngày.
Cụ thể, TP có nhiều tour mới được xây dựng khám phá những điểm đến ở 24 quận, huyện và TP Thủ Đức như: “Lắng nghe hơi thở của rừng” ở Cần Giờ, “Bình Chánh những điều chưa kể”, tour “Về miền đất thép ở Củ Chi”, “Hóc Môn trên bến dưới thuyền”, “TP Thủ Đức bên dòng sông xanh”, “Về Chợ Lớn xem múa lân” của quận 5, “Tân Phú - Đi là nhớ”...
Đặc biệt, quận 1 có tour theo chân “Ký ức Biệt động Sài Gòn”, vốn là “thương hiệu” ấn tượng khi nhắc đến TP.HCM. Nay điểm đến này được các DN “thổi hồn” để mang màu sắc mới.
Hiện tour này được kỳ vọng đem đến cho du khách, nhất là du khách quốc tế những trải nghiệm thú vị khi nghe các câu chuyện về sự chiến đấu quả cảm, anh dũng, kiên cường của lực lượng Biệt động Sài Gòn qua hồi ức của các nhân chứng sống.
Đối với hình thức tham quan địa đạo, xưa nay du khách hầu như chỉ biết đến địa đạo Củ Chi, nay quận Tân Phú đưa di tích lịch sử địa đạo Phú Thọ Hòa vào hoạt động, góp phần làm dày thêm danh sách lựa chọn điểm đến cho du khách.
Du khách hào hứng với địa đạo Phú Thọ Hòa - một công trình đầy sáng tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ của quân và dân Lộc Hòa, Phú Thọ vừa được chỉnh trang, tu bổ và bổ sung nhiều hạng mục.
Ngoài du lịch đường bộ, TP.HCM có hệ thống kênh rạch kết nối từ nội thành đến ngoại thành, tạo nên tuyến đường sông dài khoảng 1.000 km để phát triển du lịch đường sông như “Trải nghiệm du thuyền ngắm Sài Gòn - hòn ngọc Viễn Đông”, “Trên bến dưới thuyền”…
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du Ngoạn Việt, đánh giá: So với các dòng sông đi qua các TP khác trong cả nước, có thể nói TP.HCM có được dòng sông Sài Gòn vừa đẹp, vừa có khả năng tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách của TP.
“Một điều khác biệt mà các TP khác không có được, đó là cảng Sài Gòn dành cho tàu viễn dương du lịch đậu ngay bến Nhà Rồng - một di tích lịch sử nổi tiếng, tạo nét riêng và sang trọng của TP. Ngoài ra, ở đoạn cuối sông Sài Gòn cũng là điểm đến lý tưởng với rừng ngập mặn Cần Giờ - khu sinh quyển thế giới, là lá phổi của TP, là nơi có những di tích lịch sử và khu du lịch có tiếng” - ông Anh nói.
Du lịch TP.HCM ngoài việc khám phá những địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng, quán ăn ngon đặc trưng các vùng miền thì địa điểm check-in chụp ảnh đẹp ở Sài Gòn là điều mà rất nhiều giới trẻ quan tâm.
Nhà thờ Đức Bà, một công trình kiến trúc lịch sử và văn hóa nổi tiếng được xem là biểu tượng của du lịch Sài Gòn. Nhà thờ Đức Bà nổi bật với lối kiến trúc cổ kính, đặc biệt là lối thiết kế đặc trưng châu Âu tạo nên background ấn tượng.
Hay dinh Độc Lập, công trình di tích quốc gia này không chỉ là chứng tích chiến tranh nổi tiếng thu hút du khách đến tham quan mà còn là nơi chụp ảnh cưới lãng mạn, đậm chất cổ điển.
Nhà hát TP mang lối kiến trúc cổ điển châu Âu hoa lệ, khung cảnh nơi đây lên ảnh cực kỳ lung linh, lãng mạn như được chụp ở trời Tây.
Công viên bến Bạch Đằng (quận 1) được cải tạo trong năm nay còn trở thành điểm check-in của bao cặp tình nhân và người dân TP.HCM. Không chỉ check-in công viên, du khách còn được tận hưởng không gian trong lành, thoáng mát từ bến sông thổi vào và chụp ảnh với cột cờ Thủ Ngữ.
Gần đó là khu vực cầu Mống nối quận 1 và quận 4. Một địa điểm “quen mà lạ” bởi vì đối với người dân chắc hẳn sẽ không ai còn xa lạ với cây cầu có màu xanh ngọc bích rất đặc biệt bắc ngang qua rạch Bến Nghé.
Ngoài ra, nhà thờ Tân Định là một trong những địa điểm đang hot ở TP.HCM của giới trẻ. Công trình kiến trúc với vẻ đẹp “độc nhất vô nhị” nằm ở con đường sầm uất bậc nhất Sài Gòn.
Sản phẩm du lịch phải có chất lượng tốt
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết xu hướng chung của du khách hiện nay là muốn được tìm hiểu, khám phá sâu hơn, lâu hơn tại mỗi sản phẩm dịch vụ du lịch. Vì vậy, chất lượng dịch vụ tại từng sản phẩm du lịch là điều tiên quyết. Sản phẩm không cần phải quá cao cấp nhưng phải có chất lượng tốt nhất.
Theo ông Hòa, ngay khi du lịch mở cửa lại, ngành du lịch TP đã phối hợp với các DN du lịch để đi rà soát và làm mới lại các sản phẩm tại các quận, huyện trên địa bàn TP. “Vấn đề liên quan đến chất lượng dịch vụ luôn được chúng tôi quan tâm hàng đầu” - ông Hòa nhấn mạnh.
Tiếp đến là kế hoạch mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm cũng thúc đẩy việc có thêm các điểm đến du lịch “đặc sản” của TP. Từ những sản phẩm này, ngành du lịch TP tiếp tục cùng với các quận, huyện và DN bổ trợ thêm để gia tăng giá trị dịch vụ ở từng sản phẩm.
Ngoài những điểm đến du lịch, theo ông Hòa, các lễ hội, sự kiện cũng là những sản phẩm du lịch thu hút rất nhiều du khách đến TP.HCM. Sở Du lịch phối hợp với các sở, ban ngành tổ chức các sự kiện trên địa bàn TP đang ngày càng được nâng cao về quy mô, chất lượng dịch vụ cũng như ít lệ thuộc vào ngân sách TP hơn.
Về sản phẩm du lịch, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, đề xuất: “Chúng ta cần một chiến lược đồng bộ, có lộ trình rõ ràng. Nếu có một chiến lược phát triển du lịch ngắn, trung và dài hạn với thông điệp rõ ràng và hệ thống sản phẩm cụ thể, tôn lên các đặc trưng văn hóa - lịch sử của TP sẽ thúc đẩy phát triển tốt sản phẩm du lịch TP.HCM”.
Ngoài ra, TP.HCM cần xác định khách hàng mục tiêu. Công ty lữ hành cần sản phẩm bán được, có lợi nhuận tốt vì DN phải mất nhiều nguồn lực quảng bá, tiếp cận các thị trường mục tiêu. Các điểm đến phải phục vụ được đối tượng khách tự do chứ không chỉ áp lực lên kênh khách du lịch thông qua các công ty lữ hành.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục tư vấn, thiết kế và phụ trách sản phẩm ở một số quận, huyện, cụ thể là sản phẩm du lịch quận 1 và quận 5 mà DN đã tổ chức. Đồng thời, chúng tôi tham gia các chương trình triển khai quy hoạch sản phẩm và phát triển kênh bán, góp phần cùng các cơ quan xúc tiến và DN lữ hành xây dựng được hệ thống sản phẩm du lịch TP.HCM hiệu quả về quảng bá và kinh doanh” - ông Dũng góp ý.•
Những nút thắt cần được gỡ
Tôi đánh giá tác động của đại dịch ảnh hưởng lên nền du lịch toàn cầu vẫn còn rất lớn. Công tác quảng bá, xúc tiến tại các hội chợ du lịch quốc tế ở các nước chưa tổ chức lại, các thị trường lớn khác như Trung Quốc đã mở cửa nhưng chưa triệt để.
Hiện nay trên thế giới, những quốc gia xem trọng đóng góp cao của ngành du lịch như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... đều có văn phòng đại diện về du lịch tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng.
Du lịch Việt Nam cũng như du lịch TP.HCM chưa có văn phòng đại diện ở các thị trường lớn cũng là một trong những hạn chế lớn cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Tại các thị trường xa về địa lý nhưng có tiềm năng lớn về du lịch và chi tiêu cao, luôn coi thị trường Đông Nam Á là điểm đến ưa thích, đặc biệt là dịp cuối năm. Tuy nhiên, chính chính sách visa hạn chế của chúng ta khiến phần lớn lượng khách này lại chọn các điểm đến lân cận, đó là Bangkok hoặc Singapore.
Ngoài ra, theo các DN, visa là một “nút thắt cổ chai” mà bao lâu nay chúng ta vẫn chưa gỡ được. Các DN du lịch đề xuất gia hạn visa 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay và điều này sẽ được chấp thuận sớm. Để tạo điều kiện cho khách quốc tế vào Việt Nam thì hệ thống e-visa phải phê duyệt đúng hạn, xác nhận lộ trình nộp visa của du khách, hoàn trả đúng hạn.
Ông LÊ TRƯƠNG HIỀN HÒA, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM
3 loại hình chiến lược và hiệu quả khi liên kết du lịch của TP.HCM
Sở Du lịch TP.HCM cho biết ngành du lịch TP đang xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch theo ba nhóm xây dựng sản phẩm đặc trưng riêng: Du lịch đường thủy, du lịch gắn với kinh tế đêm, du lịch sự kiện.
Cạnh đó, TP xây dựng ba loại hình sản phẩm chính bên cạnh sản phẩm đặc trưng gồm: Du lịch MICE; du lịch gắn với ẩm thực, mua sắm; du lịch gắn với mua sắm và tham quan di tích lịch sử.
Về phương thức phát triển sản phẩm, ngành du lịch TP phát triển theo ba phương thức chính: Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành; tạo sự gắn kết các khối ngành, DN trong công tác phát triển sản phẩm; nghiên cứu tham mưu cơ chế, chính sách về đất đai, quy hoạch, tài chính.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP, thời gian qua TP đã thực hiện liên kết về du lịch với hầu hết địa phương trên cả nước, đây chính là tiền đề cho việc kết nối tour tuyến, quy hoạch và phát triển sản phẩm.
Đầu tiên là nguồn nhân lực, sau dịch COVID-19, nguồn nhân lực đã bị xáo trộn rất nhiều do lực lượng lao động tay nghề cao trong lĩnh vực dịch vụ bị thiếu hụt hoặc chuyển đổi. Vì vậy, công tác liên thông hỗ trợ đào tạo nguồn nhân
lực cũng như cung ứng qua lại giữa TP.HCM và các địa phương là rất cần thiết.
Những chương trình khảo sát sản phẩm và tour tuyến giữa các địa phương giúp TP.HCM và các địa phương có sự đồng bộ và thống nhất, tránh được sự trùng lặp, đồng thời góp phần đa dạng sản phẩm dịch vụ và tăng giá trị của các sản phẩm.
Thông qua chương trình liên kết, DN nhận nhiều hỗ trợ địa phương, đây chính là những nhân tố khơi thông các dòng chảy về du lịch, để đưa khách tới các địa phương. Các DN lữ hành cũng là những đơn vị có đánh giá và cập nhật sát nhất về chất lượng dịch vụ tại các điểm đến du lịch tại địa phương.
Nguồn PLO: https://plo.vn/du-lich-tphcm-danh-thuc-nhung-diem-den-bat-ngo-post719555.html