Du lịch Trung Quốc phục hồi bất chấp dịch bệnh
Kinhtedothi – Chỉ thời gian ngắn sau lệnh gỡ bỏ kiểm soát Covid-19, số lượng hành khách hàng không ở nước này khôi phục 63% so với mức của năm 2019.
Du lịch Trung Quốc đang trở lại nhịp hối hả ngay trước thềm Tết Nguyên đán, bất chấp những lo ngại về lây nhiễm ngày càng gia tăng sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ các biện pháp hạn chế Covid-19 vào tháng trước.
Người đứng đầu Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc Song Zhiyong cho biết hoạt động du lịch nhanh chóng phục hồi đang tạo ra thách thức đối với việc đảm bảo an toàn của các hãng hàng không, đặc biệt là tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Vào hôm 13/1, ông Song cho biết ngành du lịch cần phải hiểu rõ tính chất đặc biệt và sự phức tạp của làn sóng khách du lịch vào kỳ Xuân vận 2023.
Kể từ ngày 7/1, tổng số lượng hành khách đi máy bay đã lên mức 63% so với năm 2019, khi người dân trở về quê để bắt đầu kỳ nghỉ vào ngày 21/1.
Ngày 8/1, Trung Quốc đã mở cửa lại biên giới sau khi bỏ các biện pháp hạn chế Covid-19 như xét nghiệm thường xuyên, hạn chế đi lại hay đóng cửa hàng loạt nhà máy.
Bộ giao thông vận tải Trung Quốc dự đoán tổng lưu lượng hành khách trong kỳ Xuân vận này sẽ tăng 99,5% và có thể đảm bảo phục hồi lên đến 70,3% so với mức của năm 2019.
46.000 khách du lịch nội địa hàng ngày ở các trung tâm cờ bạc của Macau là con số cao nhất kể từ khi Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020 - Chính quyền thành phố Macau cho biết vào hôm 13/1.
Tuần nghỉ lễ cũng là dịp quan trọng để phát hành phim mới ở Trung Quốc.
Theo dự báo của một nhà môi giới, doanh thu các phòng vé rạp đang trên đà đạt mức 10 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) trong dịp Tết Nguyên đán.
Mặc dù con số này chỉ ngang với năm 2022, nhưng cho thấy dấu hiệu phục hồi về doanh thu bán vé hàng năm.
Việc phục hồi du lịch cũng thúc đẩy doanh thu khi bảy bộ phim mới của Trung Quốc, trong đó có bộ phim rất được mong đợi The Wandering Earth 2, sẽ được trình chiếu trong liên hoan phim.
Topsperity Securities kỳ vọng doanh thu phòng vé lễ hội có thể đạt 10 tỷ nhân dân tệ. Theo Guosen Securities, tổng doanh thu phòng vé năm 2022 đạt chưa đến 30 tỷ nhân dân tệ, giảm 36% so với một năm trước đó.
Lo ngại làn sóng lây nhiễm ở nông thôn
Tuy nhiên, lo ngại bùng phát ca nhiễm ở nông thôn ngày càng lớn, nhất là trong bối cảnh hàng trăm triệu người đổ xô về quê ăn Tết.
Minh chứng rõ ràng nhất là cuộc chạy đua tranh giành máy thở oxi, khi hầu hết sản phẩm của các thương hiệu bán chạy nhất đều cháy hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như JD.com.
Công ty Cung ứng & Thiết bị Y tế Giang Tô Yuyue đang tập trung tất cả các nguồn lực để có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, nhu cầu kiểm tra sức khỏe đối với những bệnh nhân covid-19 đã khỏi ngày một tăng đã buộc các bệnh viện phải sử dụng nhiều hơn các thiết bị quét CT.
Tuần này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về những rủi ro bắt nguồn từ việc đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ.
Một chuyên gia y tế Trung Quốc đã cảnh báo trên Caixin rằng đợt bùng phát khủng khiếp nhất vẫn chưa hề lắng xuống.
Ông Zeng Guang, từng là nhà dịch tễ học tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, cho biết: "Chính phủ nên chuyển trọng tâm kiểm dịch từ các thành phố lớn sang các vùng nông thôn.”
Ông nêu rõ, nhiều người ở vùng nông thôn - nơi cơ sở y tế nghèo nàn - đã bị bỏ lại phía sau, trong đó có cả người già, người bệnh và người tàn tật.
Theo quan chức địa phương, trong tháng qua chỉ ghi nhận khoảng 5 trường hợp tử vong mỗi ngày. Điều này không hề chính xác so với hàng dài người xếp hàng tại các nhà tang lễ.
Kể từ 9/1, Trung Quốc đã không báo cáo số liệu về các trường hợp tử vong do Covid-19, cập nhật con số hàng tháng thay vì hàng ngày như trước đây.
Trong khi các chuyên gia y tế quốc tế đã dự đoán ít nhất 1 triệu ca tử vong liên quan đến Covid-19 trong năm nay, Trung Quốc chỉ báo cáo hơn 5.000 ca kể từ khi đại dịch bắt đầu - một trong những tỷ lệ tử vong thấp nhất Thế giới.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/du-lich-trung-quoc-phuc-hoi-bat-chap-dich-benh.html