Du lịch tuổi 25 căng đầy sức sống
Vào đầu thế kỷ trước, Mũi Né còn là một làng chài ven biển, từ Phan Thiết đi Mũi Né chỉ có một con đường mòn đầy gió, cát, hoang vắng và nhiều trộm cướp, nên ít người qua lại.
Du lịch tuổi 25 căng đầy sức sốn
Bà Lục Thị Đậu (một người con của làng chài Mũi Né) là một thương gia giàu có nhất xứ Phan hồi ấy, đã đề nghị chính quyền thuộc địa cho phép bà bỏ tiền ra làm con đường xe hơi từ Phan Thiết đi Mũi Né. Sau 3 năm thi công, năm 1922 con đường dài hơn 20 km này được khánh thành, là một sự kiện của xứ Trung kỳ hồi ấy.
Xấp xỉ một thế kỷ sau ngày bà Lục Thị Đậu khai phóng con đường xe hơi ra Mũi Né, Mũi Né đã được công nhận là một khu du lịch quốc gia. Có những tuyến cao tốc của đất nước đang mở hướng về Mũi Né, có một sân bay sắp xây dựng ngay tại đây, để kết nối Mũi Né với du khách năm châu bốn bể.
Từ một dải bờ biển hoang vu, xa vắng, Mũi Né đã có 1/4 thế kỷ phát triển vượt bậc, với hàng trăm resort sang trọng, đẳng cấp mọc lên bên biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Không gian phát triển của khu du lịch quốc gia này đã mở rộng ra phía bắc đến tận Hòa Thắng (Bắc Bình) và Hòa Phú (Tuy Phong), với 14.760 ha trải dài ven biển. Điều này thực sự cần thiết bởi vì sau 25 năm phát triển “nóng”, Mũi Né đã có dấu hiệu “quá tải”, kéo theo sự xuống cấp của vệ sinh môi trường và hạ tầng giao thông. Hơn nữa Mũi Né cần có không gian rộng lớn hơn để thu hút nhiều nhà đầu tư tầm cỡ vào phát triển các tổ hợp vui chơi giải trí - thể thao biển đẳng cấp (điều mà du lịch Bình Thuận đang rất thiếu).
Năm nay, kỷ niệm tròn 1/4 thế kỷ Ngày du lịch Bình Thuận (24/10), những tác động nặng nề và dai dẳng của đại dịch Covid-19 khiến du lịch Bình Thuận vẫn còn trầm lắng. Nhưng người Bình Thuận có quyền tự hào về những thành tựu to lớn sau 25 năm phát triển du lịch: đó là thương hiệu, là tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lượt khách... Đặc biệt, du lịch phát triển còn lôi kéo rất nhiều ngành - nghề cùng phát triển theo, tạo ra rất nhiều sinh kế cho nhân dân địa phương. Rất đông con cháu làng chài Mũi Né xưa giờ đã là lao động trong các khu du lịch - dịch vụ.
25 năm qua, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có 3 nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch (nghị quyết 07 năm 1995,nghị quyết 06 năm 2015,nghị quyết 09 năm 2017). Các nghị quyết đã định hướng, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận. Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 vừa bế mạc tuần trước đã xác định du lịch cùng với công nghiệp, nông nghiệp là 3 trụ cột của Bình Thuận. Đảng bộ Bình Thuận sẽ có nghị quyết mới để tiếp tục khai mở tiềm năng, lợi thế, du lịch Bình Thuận tuổi 25 đang căng đầy sức sống.