Du lịch văn hóa, mũi nhọn phát triển công nghiệp văn hóa
Trong những năm gần đây, du lịch văn hóa đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng giúp phát triển nền kinh tế và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa.
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa đã trở thành mũi nhọn trong việc thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo, không chỉ mang lại nguồn thu lớn mà còn giúp quảng bá hình ảnh đất nước đến với bạn bè quốc tế.
Việt Nam mấy năm liên tiếp được quốc tế vinh danh là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới", "Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á", "Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á"… Các địa phương từ Bắc và Nam đều có những sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để đưa du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa, vấn đề mấu chốt là phải tìm cách tạo ra được những sản phẩm văn hóa "chạm" tới cảm xúc của du khách.
Theo đó, phải tăng cường hàm lượng sáng tạo trong xây dựng sản phẩm du lịch, mang đến những trải nghiệm độc đáo, ấn tượng. Hiện, một số show diễn thành công về nội dung và nghệ thuật như “Ký ức Hội An”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Vũ điệu trên mây”… đã truyền tải được dòng chảy lịch sử lẫn mạch nguồn nghệ thuật truyền thống Việt đến cho du khách.
Cả nước hiện có khoảng 40.000 di tích được kiểm kê, trong đó có trên 3.460 di tích cấp quốc gia, 107 di tích quốc gia đặc biệt, 164 bảo vật quốc gia. Các địa phương đều có những sáng tạo nhất định để khai thác giá trị văn hóa, lịch sử của hệ thống di tích này.
Chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, doanh thu từ du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD thu từ khách du lịch.
Du lịch văn hóa không chỉ góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, mà còn nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới.