Du lịch | Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Quần thể Đền thờ vua Lê Thái Tổ và bia vua Lê Thái Tổ nằm cách trung tâm Thành phố Lai Châu 110km về phía Tây Nam, thuộc địa phận hành chính của xã Lê Lợi và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đang dần trở thành điểm đến du lịch tâm linh thu hút du khách. Đền thờ được dựng lên để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, người đã có công dẹp loạn vùng Tây bắc.
Đúng dịp đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 585 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi (22-8 âm lịch), trên hành trình trải nghiệm văn hóa, đời sống đồng bào các dân tộc các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu chúng tôi “hữu duyên” khi được ghé thăm Đền thờ vua Lê Thái Tổ.
Đi xe máy dọc đường tỉnh lộ 127 trùng điệp rừng núi, đèo dốc từ xã Kan Hồ, thuộc huyện Mường Tè nối đến trung tâm huyện Nậm Nhùn, chúng tôi ghé quán nước ven đường nghỉ chân. Anh chủ quán xởi lởi, như động viên những vị khách phương xa tới khám phá quê hương mình. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh kể ở cách trung tâm huyện Nậm Nhùn gần 20km hướng đường ra TP Lai Châu có ngôi đền thờ vua Lê Thái Tổ đang là điểm đến thu hút khá nhiều du khách khi đến mảnh đất này. Đặc biệt, từ hồi tháng 3-2018, khối đá lớn có bút tích của vua Lê Thái Tổ được cắt từ vách núi bên bờ sông Đà đặt tại đền thờ được công nhận là Bảo vật Quốc gia càng thu hút nhiều người muốn tới đây chiêm ngưỡng. Quả thực lời kể của anh chủ quán cũng khiến chúng tôi muốn bước tới đây một phen.
Mỗi cột mốc chỉ dẫn tới đền thờ vua Lê Thái Tổ càng gần khiến chúng tôi thêm háo hức…Và đây rồi! tấm biển hướng dẫn chỉ sang bên trái con đường thuộc địa phận xã mang tên vị vua-Lê Lợi. Ngôi đền tọa lạc trên vị trí đắc địa, cao ráo, có thể phóng tầm mắt 4 phía, mặt chính hướng về phía Nam. Bước theo những bậc thang dẫn lên đền, hình ảnh đầu tiên ập vào mắt chúng tôi là khối đá lớn, phía dưới có tấm biển khắc đá, đề: Bảo vật Quốc gia bia vua Lê Thái Tổ, “Niên đại: Năm 1431”. Bên phải của bia là tấm bảng đá in bản dịch nghĩa và dịch thơ.
Ông Lò Văn Bởi, Ban quản lý Đền thờ vua Lê Thái Tổ, kể cho chúng tôi biết, văn bia được viết bằng chữ Hán gồm 132 chữ, tạc trong khuôn khổ hình chữ nhật có kích thước 1,2m x 0,8m. Tháng Chạp năm Tân Hợi - 1431 vua Lê Thái Tổ đã cho tạc khắc vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ Bắc sông Đà để lưu lại cho muôn đời sau, sử cũ gọi là “Bia Cổ hoài lai”. Năm 2005 nhà máy thủy điện Sơn La – Lai Châu khởi công, do vậy phần bút tích văn bia của vua Lê Thái Tổ đã được di dời ra khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ thành một khối đá lớn có kích thước dài 2,62 m, rộng 1,13 m, cao 1,85 m, trọng lượng trên 15 tấn. Bút tích sau khi được khoan cắt ra khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ, năm 2012 Bia Lê Lợi đã được di dời đến khuôn viên đền thời vua Lê Thái Tổ cách vị trí cũ 500 m. Di tích bia Lê Lợi thuộc xã Lê Lợi và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định 10/VH-QĐ, ngày 2 -9 -1981, thuộc danh mục số 185 của Bộ Văn hóa về xếp hạng di tích cấp Quốc gia bia Lê Thái Tổ và đến năm 2016 chính thức được công nhận là một trong những bảo vật vô giá của quốc gia. Ngày 5-3-2018, UBND huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia bia Lê Thái Tổ và đón Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đối với địa điểm lưu niệm này.
Theo lời kể của ông Lò Văn Bởi, sau quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học, lịch sử, văn hóa đều có đồng quan điểm, khẳng định bia Lê Thái Tổ (xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) là hiện vật gốc độc bản, hoàn toàn không trùng lặp với các văn bia đã được phát hiện ở nước ta từ trước tới nay. Văn bia vừa mang giá trị to lớn về lịch sử nhưng cũng là một kiệt tác văn hóa của vua Lê Thái Tổ ở nơi xa nhất của Tổ quốc. Trong đó có 3 câu thơ: “Núi sông ta vào một bản đồ/ Khắc trên đá núi bài thơ/Miền Tây nước Việt muôn thu vững vàng”... đã giúp chúng ta hiểu thêm công lao của vua Lê Thái Tổ về tư tưởng, khẳng định ý chí quyết tâm giữ vững biên cương, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của người anh hùng đất Lam Sơn. Phiên âm và bản dịch của bài thơ do nhà thơ Trần Lê Văn dịch, PGS, TS Nguyễn Tá Nhí (Viện Hán - Nôm) sưu tầm bổ sung.
Được biết, bia Lê Thái Tổ đã được làm thành 3 phiên bản: Một bản được tỉnh Lai Châu đặt tại Đền thờ Lê Lợi; một bản tặng di tích Tượng đài Lê Thái Tổ tại Hà Nội và một bản tặng tỉnh Thanh Hóa, đặt long trọng trong khuôn viên Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh, huyện Thọ Xuân.