Du lịch về nguồn - loại hình thế mạnh của ngành 'công nghiệp không khói' Việt Nam

Trải qua hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã viết nên những trang sử vàng vẻ vang với những chiến công chói lọi chống lại giặc ngoại xâm. Gắn liền những chiến công ấy là hệ thống dày đặc 'địa chỉ đỏ' gợi nhắc về lịch sử oai hùng. Đây là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch về nguồn - loại hình mang tính thế mạnh được xác định sẽ tạo nên sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

Đông đảo khách du lịch ghé thăm điểm đầu đường Hồ Chí Minh ở Pác Bó, tỉnh Cao Bằng dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Đông đảo khách du lịch ghé thăm điểm đầu đường Hồ Chí Minh ở Pác Bó, tỉnh Cao Bằng dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Nguồn tài nguyên độc đáo, nổi trội

Du lịch về nguồn có thể hiểu là hành trình tìm về những di tích lịch sử cách mạng - nơi gắn với những sự kiện, mốc son đáng nhớ trong quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc. Hành trình về nguồn không chỉ giúp du khách khám phá các điểm đến, di tích để hiểu hơn về dòng chảy lịch sử dân tộc, mà còn giúp giáo dục truyền thống và tinh thần cách mạng, bồi đắp lòng tự hào và khơi dậy tình yêu quê hương đất nước. Đến với những nơi này, lòng người như được lắng lại để nghĩ về thế hệ cha ông đã quật cường chiến đấu, hy sinh, làm nên độc lập tự do cho đất nước, để rồi càng thấy thấm thía đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, khao khát được cống hiến, góp sức mình dựng xây Tổ quốc.

Sở hữu hàng nghìn di tích lịch sử cách mạng trải dài khắp cả nước, Việt Nam có thế mạnh nổi trội về du lịch về nguồn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Khó có thể kể hết tên những vùng đất, địa danh, con sông, con suối, ngọn đồi… trên dải đất hình chữ S đã trở thành “chứng nhân” cho lịch sử oai hùng của dân tộc.

Đến với miền bắc có khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch (Hà Nội); khu di tích Pác Bó (Cao Bằng); khu di tích ATK Định Hóa (Thái Nguyên); khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang); quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên)… Đến với miền trung có Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nghệ An); di tích Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình); sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị)… Ở khu vực miền nam là Địa đạo Củ Chi, Bến Nhà Rồng, Bảo tàng chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh); Nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)…

Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển du lịch về nguồn, thời gian qua, nhiều địa phương ở nước ta đã quan tâm phát triển loại hình du lịch này. Tín hiệu vui là nếu trước đây, đối tượng tham gia các chương trình du lịch về nguồn chủ yếu chỉ là cựu chiến binh, gia đình cách mạng, thân nhân liệt sĩ đến thăm lại chiến trường xưa, tưởng nhớ đồng đội đã hi sinh…, thì nay “tệp” khách của loại hình du lịch này đã mở rộng hơn. Rất đông những người trẻ là học sinh, sinh viên đã đến với những “địa chỉ đỏ” để hiểu hơn về lịch sử dân tộc, biết ơn thế hệ đi trước, được tiếp thêm động lực để phấn đấu học tập, rèn luyện.

Có nhiều địa danh lịch sử cách mạng đã trở thành “thỏi nam châm” hút khách cho du lịch địa phương. Đặc biệt, có một số tour, tuyến về nguồn đã được các hãng lữ hành phối hợp địa phương, ban quản lý điểm đến xây dựng, làm mới, mang đến những sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn du khách trong, ngoài nước. Tiêu biểu như tour đêm khám phá di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long, tour Theo dấu chân biệt động Sài Gòn, tour Thắp sáng ký ức Vị Xuyên, hay tour du lịch vùng phi quân sự (DMZ) tại Quảng Trị…

Hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2025), Flamingo Redtours vừa xây dựng và cho ra mắt tour về nguồn từ Hà Nội đến Thủ đô kháng chiến Tân Trào với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc. Không chỉ được khám phá những địa danh của Thủ đô kháng chiến Tân Trào, du khách còn được làm sâu sắc hơn những trải nghiệm du lịch khi tham gia chương trình sắp xếp đội hình tận dụng địa hình của khu di tích, tìm hiểu thời kỳ gian khó của cách mạng Việt Nam tại ATK Kim Quan với hoạt động họp du kích, ăn cơm chiến khu…, thưởng ngoạn vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông Phó Đáy, nơi nước chảy êm đềm qua những triền đồi xanh mướt và lắng nghe những câu chuyện kể về Bác Hồ…

Để những di tích lịch sử cách mạng “kể chuyện”

Dù đã có những điểm sáng nhưng theo nhiều chuyên gia, du lịch về nguồn tại nước ta vẫn phát triển chưa xứng với tiềm năng. Các hoạt động chủ yếu trong du lịch về nguồn nhìn chung vẫn chỉ dừng ở tham quan, tìm hiểu các điểm chứng tích lịch sử, nghe hướng dẫn viên kể lại chiến công hào hùng của cha ông…; còn thiếu những hoạt động tương tác, trải nghiệm dành cho du khách để tạo sức hấp dẫn và ấn tượng đáng nhớ. Đó là lý do sản phẩm du lịch về nguồn ở nhiều địa phương mang dáng dấp na ná, trùng lặp nhau, chưa tạo được nét đặc sắc riêng để thu hút khách du lịch.

Chưa kể, nhiều điểm di tích đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, tôn tạo; còn thiếu các dịch vụ phụ trợ để phục vụ du khách; trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ của thuyết minh viên còn hạn chế; thiếu tính liên kết với các loại hình du lịch khác cũng như sự kết nối với các điểm đến có cùng chủ đề để tạo nên sản phẩm đồng bộ, xuyên suốt… Thời gian qua, dù số lượng người trẻ tham gia hành trình về nguồn đã tăng lên nhưng phần lớn đều đi theo chương trình, kế hoạch hành động của các trường, cơ sở giáo dục, đoàn thanh niên… chứ chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng cá nhân. Do đó, để tăng sức hút cho du lịch về nguồn, còn nhiều “điểm nghẽn” cần khắc phục.

Khách du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa địa đạo Vịnh Mốc.

Khách du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa địa đạo Vịnh Mốc.

Theo Cục trưởng Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, công tác xây dựng sản phẩm du lịch về nguồn cần được đặc biệt quan tâm để hình thành, phát triển những sản phẩm có chất lượng. Cần kết nối các điểm di tích lịch sử cách mạng với văn hóa để xây dựng, phát triển các tuyến điểm du lịch đặc trưng, kết hợp khai thác cùng các loại hình du lịch khác như du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp. Ông Nguyễn Trùng Khánh lưu ý, trong quá trình xây dựng sản phẩm, cần nghiên cứu các giá trị văn hóa đặc trưng của từng điểm đến để lồng ghép vào chương trình du lịch nhằm tạo sự khác biệt, sáng tạo trong dịch vụ và các hoạt động trải nghiệm của du khách, từng bước mở rộng thị trường khách du lịch.

Xác định công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan tại điểm chính là yếu tố cầu nối quan trọng giúp gắn kết du khách với di tích lịch sử cách mạng, Cục trưởng Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh cần nâng cao hơn nữa trình độ nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ của đội ngũ thuyết minh viên. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung vào công tác marketing, quảng bá sản phẩm để tăng cường khả năng tiếp cận, thu hút du khách trong, ngoài nước.

PGS, TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội gợi ý, đối với hệ thống di tích lịch sử cách mạng, cần phối hợp các hoạt động giúp cho du khách tránh cảm thấy đơn điệu như tích cực tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội, tạo ra những dịch vụ bổ trợ có dấu ấn, có sức lan tỏa rộng đối với du khách đến tham quan. Mỗi di tích đều có các đặc trưng riêng, có câu chuyện lịch sử, sự kiện và nhân vật riêng, vì vậy cần xây dựng các chương trình phù hợp với du khách, lồng ghép các hoạt động vui chơi giải trí mang tính trí tuệ, trải nghiệm hoặc vận động tập thể theo đội nhóm, phù hợp với các đối tượng tham gia, thông qua đó truyền tải các kiến thức, thông điệp mà di tích muốn thể hiện.

Đặc biệt, để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng một cách hiệu quả, khắc phục các hạn chế về cơ sở hạ tầng, lưu trú, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, các địa phương cần có nguồn vốn đầu tư lớn. Bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, cần chú trọng phương án xã hội hóa, gây quỹ, tìm các nguồn tài trợ để bảo vệ, tôn tạo di tích, cảnh quan thiên nhiên, phục dựng lại chiến trường xưa, làm tài nguyên cho phát triển du lịch về nguồn.

Công tác xây dựng sản phẩm du lịch về nguồn cần được đặc biệt quan tâm để hình thành, phát triển những sản phẩm có chất lượng. Cần kết nối các điểm di tích lịch sử cách mạng với văn hóa để xây dựng, phát triển các tuyến điểm du lịch đặc trưng, kết hợp khai thác cùng các loại hình du lịch khác như du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp.

Cục trưởng Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh

Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) cho rằng, giá trị của một điểm di tích lịch sử cách mạng được thể hiện dưới nhiều khía cạnh vật chất và tinh thần đa dạng như: dấu tích chiến trường, nghĩa trang, nhà tù, bảo tàng hiện vật chiến tranh (máy bay, tàu chiến, pháo, súng đạn, hay các bản tuyên ngôn, chỉ thị chiến đấu, bức thư, bài thơ, bài hát)… Để di tích lịch sử cách mạng trở thành đối tượng trải nghiệm sống động và hấp dẫn với khách du lịch thì cần phải quan tâm đến tâm lý và nhu cầu của từng đối tượng thị trường khác nhau để đưa ra các chương trình kịch bản với nội dung, hình thức và ngôn ngữ biểu đạt khác nhau.

Mặt khác, xu thế thời đại với sự cuốn hút của công nghệ số đòi hỏi cách trình diễn và giới thiệu của di tích cũng phải theo kịp để tích hợp được đa chiều thông tin nội dung, hình ảnh và cách thức trải nghiệm. Cần đầu tư sáng tạo các không gian trải nghiệm ảo để du khách được tiếp cận gần gũi và sống động hơn với bối cảnh lịch sử chiến tranh ác liệt, để hiểu hơn giá trị của độc lập, tự do và hòa bình.

“Ngoài không gian cảm nhận tại vùng di tích gốc, cần mở rộng không gian trải nghiệm tại vùng đệm di tích với nhiều loại hình du lịch bổ trợ độc đáo mang nét đặc thù của loại hình du lịch chiến tranh cách mạng như: trải nghiệm làm du kích, ngủ hầm, ăn cơm nắm, chở xe thồ, đánh trận giả…”- Chủ tịch STDe gợi ý.

Rõ ràng, phát triển du lịch về nguồn không chỉ là cách bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng một cách bền vững, mà còn là giải pháp gia tăng kinh tế cho du lịch địa phương. Tập trung phát triển du lịch về nguồn theo hướng có chiều sâu, bản sắc cũng là hướng đi giúp định hình nét độc đáo, khác biệt của du lịch Việt Nam, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh, sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

VI ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/du-lich-ve-nguon-loai-hinh-the-manh-cua-nganh-cong-nghiep-khong-khoi-viet-nam-post858040.html