Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
Ngày 5/2 (tức mùng 8 Tết Ất Tỵ), tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) diễn ra Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2025.
* Lễ hội Khai Hạ đậm nét văn hóa xứ Mường
Ngày 5/2 (tức mùng 8 Tết Ất Tỵ), tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) diễn ra Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2025. Đây là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của dân tộc Mường, đồng thời trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu trong dịp Tết đến, Xuân về của người Mường ở Hòa Bình. Lễ hội thu hút hàng nghìn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Bùi Đức Hinh nhấn mạnh, lễ hội Khai hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình là lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất của người Mường Hòa Bình và đã có từ rất lâu đời. Lễ hội gắn liền với các hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở bốn vùng mường lớn (Bi, Vang, Thàng, Động) của tỉnh. Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công mở đất, lập mường và cầu mong vạn vật sinh sôi, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cầu mong cho những điều tốt đẹp đến với mọi nhà.
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình thường được tổ chức vào tháng Giêng Âm lịch hằng năm, ngay sau Tết Nguyên đán, với nhiều nghi thức độc đáo tạo nên nét riêng. Tùy từng vùng Mường, thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội có sự khác nhau.
Theo đó, Lễ hội Khai hạ Mường Vang (Lạc Sơn) tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng theo lịch Mường Vang tại Miếu Áng Ka và một số địa điểm khác; Lễ hội Khai hạ Mường Thàng (Cao Phong) được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng theo lịch Mường Thàng tại Miếu Cả; Lễ hội Khai hạ Mường Động (Kim Bôi) được tổ chức ngày mùng 3 tháng 5 Âm lịch, tức ngày mùng 4 tháng tư theo lịch Mường Động tại Miếu Mường Chanh; Lễ hội Khai hạ Mường Bi (huyện Tân Lạc) được tổ chức vào ngày mùng 7, 8 tháng Giêng Âm lịch hằng năm (ngày mùng 6, mùng 7 tháng tư theo lịch Mường Bi).
Trong những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã được nâng lên, mỗi dịp Tết đến, Xuân về đồng bào các dân tộc đã trở về quê hương, tham gia các hoạt động Lễ hội tại địa phương ngày một đông hơn. Các lễ hội góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân và thu hút du khách, là hoạt động thiết thực triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Qua đó tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của Hòa Bình để phát triển du lịch.
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2025, có 600 nghệ nhân đánh chiêng biểu diễn, cùng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian có nội dung phong phú, đa dạng mang bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình nói chung và đặc trưng của 4 vùng Mường nói riêng. Tại Lễ hội còn có các gian trưng bày nông sản, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, văn hóa, du lịch… của các địa phương trong tỉnh; hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm.
Thông qua Lễ hội tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị truyền thống quê hương, nâng cao niềm tin, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, đem đến cho chúng ta những dấu ấn đặc biệt, có một tâm thế tốt trong dịp đầu Xuân năm mới. Đồng thời, hoạt động cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
* Chuẩn bị 18 vạn túi lương cho Lễ phát lương Đức Thánh Trần
Từ ngày 5 - 12/2 (tức từ ngày 8 - 15 tháng Giêng), Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần diễn ra tại đền Trần Thương, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Theo kế hoạch, Ban Tổ chức đã chuẩn bị 180.000 túi lương để phát cho nhân dân, du khách thập phương tại 12 cửa quanh khu vực đền vào đêm 12/2/2025.
Lễ phát lương đền Trần Thương gồm Phần lễ, và phần hội. Phần lễ gồm các nghi thức: Khai hội, rước kiệu Thánh, rước nước, nhập lương, nghi lễ tâm linh, Lễ phát lương. Trong đó, nghi thức phát lương diễn ra vào đêm 14, rạng ngày 15 tháng Giêng. Phần hội có các hoạt động như: Giải cờ tướng, kéo co, Giải bóng chuyền hơi.
Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân Nguyễn Đức Nhương cho biết, điểm mới của Lễ hội năm nay là Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương và UBND huyện Lý Nhân làm lễ Khai mạc và rước nước từ sông Hồng về đền từ ngày 5/2 (mùng 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Đây là nghi thức truyền thống đã có lịch sử hàng trăm năm, được duy trì, gìn giữ đến nay như một nét đẹp văn hóa truyền thống mỗi dịp đầu Xuân, đồng thời gợi nhớ nguồn gốc của dòng tộc nhà Trần.
Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Hà Nam được phục dựng và duy trì từ năm 2009. Đây là hoạt động có ý nghĩa tâm linh, truyền thống cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà mạnh khỏe, sung túc và bình yên; nhắc nhở các thế hệ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của Đức Thánh Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân Nguyễn Đức Nhương cho biết, để bảo đảm an toàn cho các đại biểu và nhân dân về dự lễ hội, Huyện Lý Nhân đã chỉ đạo UBND xã Trần Hưng Đạo, Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trần Thương xây dựng kế hoạch, phối hợp với lực lượng an ninh, lực lượng chức năng triển khai phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông trên địa bàn. Các đơn vị bố trí ứng trực tại 15 điểm chốt trong và ngoài khu vực tổ chức lễ hội để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông.
Đền Trần Thương là một trong ba ngôi đền lớn trong cả nước, thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tương truyền trên đường đi đánh quân Nguyên Mông, thấy địa thế nơi đây hiểm yếu có thể vào sông Châu, ra sông Hồng ngược lên Thăng Long hoặc xuôi ra biển, ngài bèn đặt 6 kho lương để phục vụ cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ 2 (năm 1285). Sau khi chiến thắng trở về, ngài cắm sinh phần, lấy dân ở đây làm tạo lệ, từ đó làng có tên là Trần Thương.
Sử sách không ghi chép về kho lương thực của nhà Trần ở đây nhưng truyền thuyết dân gian cùng với những dấu tích đậm đặc quanh khu vực đền Trần Thương như mảnh gốm, sứ màu đen, men nâu, vàng ngà của bát đĩa vỡ có phong cách trang trí của nghệ thuật gồm thời Trần, nhiều vỏ chóe hoa than... đã củng cố thêm giả thuyết này. Địa điểm ngôi đền hiện nay là kho lương chính.
Năm 1989 đền Trần Thương được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và đến năm 2015, đền được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Nghi lễ phát lương nhằm tái hiện lịch sử “Phát quân lương” khao quân của quân đội nhà Trần khi đánh thắng giặc Nguyên Mông lần thứ 3 (năm 1288) và cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; đồng thời tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc, phát huy truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn.