Du lịch 'về nguồn' qua di tích thời kháng chiến chống Pháp

Sơn La hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều chứng tích về thời kỳ kháng chiến chống Pháp, có giá trị lớn về lịch sử, minh chứng về một thời hào hùng của quân và dân ta; là 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống cách mạng, gắn với du lịch 'về nguồn', tìm hiểu về lịch sử dân tộc.

Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Ảnh: PV

Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Ảnh: PV

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Sơn La giữ vị trí chiến lược quan trọng, vì vậy, nhiều di tích lịch sử được hình thành gắn với các sự kiện lịch sử, các chiến dịch lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Các di tích phân bố chủ yếu dọc theo quốc lộ 6 và quốc lộ 37, là tuyến giao thông huyết mạch nối Hà Nội với Sơn La và chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.

Trong đó, gắn với Chiến dịch Tây Bắc (1952), như: Đồn Mộc Lỵ, Đồn Pa Lay, tại thị xã Mộc Châu; Đồn bản Mo, huyện Phù Yên; Đồn Pom Pát, huyện Mường La; Đồn Mường Chiến, huyện Quỳnh Nhai; Hang vợ chồng A Phủ, huyện Bắc Yên...

Các di tích gắn với Chiến dịch Điện Biên Phủ, gồm: Đèo Lũng Lô, khu rừng bản Nhọt, huyện Phù Yên; bến phà Tạ Khoa, đèo Chẹn, huyện Bắc Yên; Ngã ba Cò Nòi, Tập đoàn cứ điểm Nà Sản, huyện Mai Sơn; Đèo Pha Đin, huyện Thuận Châu. Những di tích lịch sử là minh chứng sống động, chân thực về một thời kỳ kháng chiến oanh liệt, gian khổ, hy sinh trên mảnh đất Sơn La anh hùng.

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh, cho biết: Những năm qua, đơn vị đã phối hợp bảo quản, tu bổ, bảo tồn các di tích thuộc hệ thống các di tích dọc tuyến đường vận tải phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh và thẩm định, lập hồ sơ khoa học để đề nghị xếp hạng các di tích. Các di tích sau khi được xếp hạng, được phân cấp cho các địa phương quản lý. Đồng thời, hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị về quản lý, phát huy giá trị lịch sử các di tích.

Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, tại thị xã Mộc Châu.

Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, tại thị xã Mộc Châu.

Nhiều di tích đã được tỉnh và các địa phương chú trọng tôn tạo, bảo vệ, khôi phục hiện trạng và đầu tư xây dựng thêm các hạng mục tưởng niệm, trở thành những điểm đến ý nghĩa cho thế hệ hôm nay muốn tìm hiểu về lịch sử và tri ân thế hệ cha anh. Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, là nơi nghỉ chân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đoàn sĩ quan chỉ huy chiến dịch cùng các đơn vị Đại đoàn 312, 315, 316 hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ theo đường 13 (nay là quốc lộ 37). Năm 2021, Di tích đã được tu bổ, tôn tạo, gồm: Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sân đền thờ, sân hành lễ, cầu cảnh quan, cổng tam quan...; có tổng diện tích 10,7 ha, đã trở thành điểm đến ý nghĩa của nhân dân và du khách khi đi qua quốc lộ 37.

Nói tới di tích lịch sử gắn với Chiến dịch Điện Biên Phủ, không thể không nhắc tới Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, tọa lạc ngay trên điểm giao giữa quốc lộ 6 và quốc lộ 37 thuộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Nơi đây, 71 năm về trước là “yết hầu” mà quân Pháp bắn phá ác liệt nhằm cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đài tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong nhìn ra quốc lộ 6 được xây dựng để tưởng nhớ, tri ân hơn 100 thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh nơi đây.

Học sinh tham quan Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, thị xã Mộc Châu.

Học sinh tham quan Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, thị xã Mộc Châu.

Ông Phạm Anh Minh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Mai Sơn, kiêm Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, cho biết: Di tích thường xuyên đón các đoàn du khách khắp các miền về dâng hương, tham quan, nhất là trong những ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước.

Ngoài ra, các di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại Mộc Châu; Khu lịch sử - văn hóa đèo Pha Đin tại Thuận Châu… cũng được đầu tư tôn tạo, bảo vệ và xây dựng các hạng mục, đáp ứng nhu cầu tham quan, tri ân các anh hùng liệt sĩ, tìm hiểu về lịch sử, góp phần hình thành nên những điểm đến ý nghĩa và trở thành “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay.

Việc quan tâm bảo vệ, tu bổ, đầu tư xây dựng các công trình, hạng mục phụ trợ tại các di tích lịch sử, thể hiện tình cảm, tri ân công lao to lớn của thế hệ cha anh, bồi đắp truyền thống cách mạng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ. Đồng thời, tôn vinh giá trị lịch sử di tích, trở thành điểm đến ý nghĩa cho hành trình du lịch lịch sử trên mảnh đất Sơn La.

Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/du-lich/du-lich-ve-nguon-qua-di-tich-thoi-khang-chien-chong-phap-38VmW9bHg.html