Đảng viên, cựu chiến binh 101 tuổi, tấm gương 'Học không bao giờ cùng'
Nhiều năm qua, cụ Tăng Hồng Phong, 101 tuổi, cựu chiến binh, đảng viên lão thành tại tỉnh Sơn La vẫn giữ một thói quen gần như không ngày nào bỏ, đó là đọc báo đảng địa phương, Báo Nhân Dân... Hình ảnh một cụ ông mở tờ báo giấy, vừa đọc, vừa nghiền ngẫm từng dòng chữ như đang ôn lại cuộc đời mình, cuộc đời một người lính, đảng viên kiên trung và một tấm gương 'Học không bao giờ cùng'.

Cụ Tăng Hồng Phong vẫn duy trì thói quen đọc báo Đảng mỗi ngày trong suốt bao năm qua.
Trong căn nhà cấp 4 dưới chân đồi nhưng ấm cúng tại tổ 3, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, bên bộ bàn ghế gỗ đã ngả màu thời gian được đóng từ những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi ngồi trò chuyện với cụ Tăng Hồng Phong, người mà trong nhiều năm qua, ngày nào cũng ngồi ở bộ bàn ghế gỗ trước hiên nhà chờ con, cháu mang Báo Nhân Dân về cho cụ đọc.
Một đời gắn bó với cách mạng
Cụ Tăng Hồng Phong, sinh ngày 10/5/1925 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Yên Trường, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Năm 22 tuổi, tham gia cách mạng, là đội viên dân quân tự vệ, sau đó tham gia cướp chính quyền ở huyện Anh Sơn, nay là huyện Đô Lương vào tháng 8/1945 và tiếp đó tham gia hoạt động trong dân quân tự vệ thanh niên cứu quốc.
Đến ngày 27/3/1947, người thanh niên trẻ Tăng Hồng Phong chính thức trở thành người lính trong Quân đội nhân dân Việt Nam và được chuyển lên C57, D183 ở Quỳ Châu, Quỳ Hợp hoạt động dọc biên giới Việt Nam-Lào…

Hằng ngày, cụ Tăng Hồng Phong đều ngóng chờ con, cháu mang Báo Nhân Dân về cho cụ đọc.
Chỉ chưa đầy một năm sau, vào ngày 15/2/1948, người lính trẻ Tăng Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, bước ngoặt thiêng liêng của đời người mà đến giờ cụ Tăng Hồng Phong vẫn khắc ghi trong tim mình như dấu mốc lớn nhất cuộc đời.
Trong suốt thời gian quân ngũ, cụ Tăng Hồng Phong đã công tác tại ngành cơ yếu, đơn vị đặc biệt quan trọng, chuyên bảo đảm bí mật, an toàn thông tin chỉ huy trong toàn quân.
Với nhiệm vụ của mình, cụ Tăng Hồng Phong từng tham gia bảo đảm liên lạc cho nhiều chiến dịch lớn, nơi đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, tuyệt mật và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Thậm chí, còn từng bị địch vây trong chiến dịch Thượng Lào…
Dù không trực tiếp cầm súng nơi tuyến đầu, nhưng những người lính như cụ Tăng Hồng Phong ngày đó vẫn lặng thầm góp phần làm nên chiến thắng bằng trí tuệ, sự kỷ luật và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng.

Cụ Tăng Hồng Phong rất phấn khởi khi được tặng phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Lật giở cuốn album do mình sưu tầm với những tấm ảnh về Bác Hồ qua từng giai đoạn, cụ Tăng Hồng Phong, hào hứng nói: “Với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng sáng ngời về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Mình là đảng viên phải suốt đời học Bác, sống, học tập và hành động đúng với lời thề trước Đảng”.
Ngừng giây lát trước tấm ảnh Bác Hồ đang đứng trên lễ đài Độc lập vào ngày 2/9/1945, cụ Tăng Hồng Phong, nói: “Những năm tháng chiến tranh giành độc lập của quân và dân ta gian khổ lắm, nhưng tinh thần ai cũng sục sôi quyết tâm. Mình đánh giặc là để giành lại độc lập, để con cháu sau này không phải làm nô lệ. Hòa bình rồi, mình phải luôn gương mẫu để con, cháu noi theo”.
“Vào một buổi tối năm 1956, khi đó đang học cơ yếu ở Thái Nguyên, thấy lãnh đạo thông báo có đoàn công tác của Chính phủ về nói chuyện. Lúc chúng tôi tập trung thì mới biết là Bác Hồ. Tối đó, bác nói chuyện, động viên chúng tôi nhiều lắm. Còn nhớ Bác nói: Bí mật là ta thắng, không bí mật là ta thua”. Cụ Tăng Hồng Phong, nhớ lại.

Người lính trẻ Tăng Hồng Phong năm 1955 và năm 1960 được chụp tại Hà Nội. (Ảnh tư liệu chụp lại).
Trong quá trình tham gia cách mạng của mình, cụ Tăng Hồng Phong đã từng tham gia chiến đấu ở miền tây Nghệ An, miền tây Thanh Hóa, tham gia các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Tây Bắc, Thượng Lào và chiến dịch đường 9 Nam Lào.
Với những thành tích trong thời kỳ kháng chiến giữ nước, cụ Tăng Hồng Phong đã được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang 1,2,3; Huy chương vì sự chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia; Huy hiệu Chiến sĩ giỏi; Huy hiệu Hoa Ban khu tự trị Thái Mèo; Huy chương 40 năm xây dựng tỉnh Sơn La và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp từ Trung ương đến địa phương…
Báo Đảng là người bạn tâm giao
Sau những năm tháng cống hiến, đến tháng 2/1970, cụ Tăng Hồng Phong được nghỉ hưu khi đang giữ cương vị Trưởng ban Cơ yếu Công an nhân dân vũ trang tỉnh Sơn La. Trở về đời thường, cụ vẫn giữ cho mình tác phong người lính ngăn nắp, khiêm nhường, tận tụy với mọi việc lớn nhỏ của khu phố, địa phương và là một tấm gương “Học không bao giờ cùng”.

Cụ Tăng Hồng Phong còn có 1 cuốn album do tự mình sưu tầm với những bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua từng giai đoạn.
Một minh chứng sinh động cho tinh thần “Học không bao giờ cùng” là việc cụ Tăng Hồng Phong duy trì thói quen đọc Báo Nhân Dân đều đặn hằng ngày. Bà Tăng Thị Hồng Loan, con gái cả của cụ Tăng Hồng Phong, cho biết: “Ngày nào mà con, cháu đưa báo chậm cho cụ là cụ lại nhắc. Con, cháu trong nhà cũng thấy vui và hạnh phúc khi cụ còn khỏe và minh mẫn để đọc báo như vậy”.
Cầm tờ Báo Nhân Dân số ngày 30/4/2025, cụ Tăng Hồng Phong, bảo: “Từ sau kháng chiến chống Pháp, tôi đã bắt đầu được tiếp cận và được đọc Báo Nhân Dân. Trải qua bao biến động thời cuộc, dù cuộc sống gia đình có giai đoạn khó khăn, tôi vẫn duy trì thói quen đọc báo Đảng và giờ có tuổi thì con, cháu đặt giúp ở bưu điện”.

Ngoài việc lưu giữ nhiều tài liệu quý thời kỳ kháng chiến giữ nước, cụ Tăng Hồng Phong còn lưu giữ cuốn "Điều lệ đảng viên" ngày 20/5/1941.
Giọng nói vẫn rất hào sảng, rõ ràng, cụ Tăng Hồng Phong, nhấn mạnh: “Báo Nhân Dân là tiếng nói chính thống của Đảng, là tờ báo được quần chúng rất tin cậy. Đọc báo Đảng là để hiểu đường lối, chính sách, để sống và hành động cho đúng”.
Hiện nay, cụ Tăng Hồng Phong vẫn không bỏ thói quen đọc Báo Nhân Dân mỗi ngày. Có những bài viết quan trọng, sau khi đọc xong, cụ lại bảo con, cháu đọc đi đọc lại, để nghiền ngẫm, ghi chép lại rồi góp ý, nhắc nhở con, cháu trong những dịp sinh hoạt gia đình.
Dù tuổi đã hơn trăm, thị lực giảm sút, nhưng điều đặc biệt là cụ Tăng Hồng Phong không cần phải dùng đến kính lão để đọc báo, thậm chí, những sự kiện quan trọng của đất nước, về Đảng và Bác Hồ được đăng tải trên Báo Nhân Dân, cụ Tăng Hồng Phong nhớ rất rõ.

Cụ Tăng Hồng Phong còn có riêng 1 chiếc tủ kính lưu trữ những tài liệu của Đảng qua các thời kỳ và tài liệu, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau khi nhắc lại nội dung trên trang nhất số báo ngày 30/4/2025 có tấm ảnh Bác Hồ chụp ảnh cùng 2 thiếu nhi, cụ Tăng Hồng Phong, nói: “Quá trình ra đời và phát triển của Báo Nhân Dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp luôn gắn chặt với sự chỉ đạo của Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bác Hồ không chỉ trực tiếp thường xuyên viết bài cho báo, mà còn chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chỉ bảo cả về nội dung từng số báo, cho đến cách trình bày”.
“Vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Báo Nhân Dân bắt đầu có mục “Ý kiến bạn đọc”, đó là một việc rất hay và là một cách phê bình và tự phê bình thiết thực rộng rãi của nhân dân. Từ đó, trên báo Đảng thường xuyên có mục phê bình và tự phê bình và đã trở thành chuyên mục hằng tuần dưới tiêu đề "Sinh hoạt Đảng", cụ Tăng Hồng Phong nhớ lại.
Qua tìm hiểu được biết, ở phường Chiềng Lề, cụ Tăng Hồng Phong được bà con quý trọng, chính quyền kính nể. Bởi ở cụ hội tụ đủ những phẩm chất đáng quý của một người đảng viên mẫu mực, trung thực, giản dị, trách nhiệm và luôn tiên phong đi đầu.

Cụ Tăng Hồng Phong rất hào hứng khi nhắc lại những thời khắc lịch sử hào hùng, quan trọng của đất nước, Đảng và Bác Hồ.
Đồng chí Lò Thị Bình, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, cho biết: “Thời kỳ còn công tác ở phường, chi bộ tổ dân phố, cụ Tăng Hồng Phong được mời phát biểu tại lễ kết nạp Đảng cho các đảng viên trẻ hay tại các buổi sinh hoạt Đảng, cụ thường nhắn nhủ: Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là niềm vinh dự lớn, nhưng cũng là trách nhiệm lớn. Đừng bao giờ để Đảng phải buồn vì mình”.
“Cụ Tăng Hồng Phong cũng là người tích cực vận động con cháu và bà con trong khu phố thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mỗi khi có đợt lấy ý kiến cử tri, cụ đều là người đầu tiên tham gia, có ý kiến xây dựng rõ ràng, mạch lạc, giàu tính thời sự và luôn mang tinh thần xây dựng”, đồng chí Lò Thị Bình, thông tin thêm.
Từ câu chuyện trao đổi với lãnh đạo phường Chiềng Lề, hàng xóm và con cháu của cụ Tăng Hồng Phong, chúng tôi đều đón nhận được những nhận xét, đánh giá cao về cụ Tăng Hồng Phong.

Dù đã 101 tuổi nhưng khi đọc báo, cụ Tăng Hồng Phong vẫn không cần phải dùng đến kính lão.
Điều đáng quý ở cụ Tăng Hồng Phong khi đã ngoài 100 tuổi đó chính là cụ không chỉ nói mà còn làm. Dù tuổi cao, cụ vẫn cố gắng tự phục vụ, tự đọc, không làm phiền ai. Cụ luôn giữ cho mình lịch sinh hoạt khoa học, từ ăn uống, tập thể dục nhẹ nhàng cho đến việc cập nhật tin tức thời sự hằng ngày qua báo, đài.
Trong dòng chảy không ngừng của thời đại mới, khi nhịp sống ngày càng hối hả, thì sự hiện diện của những tấm gương như cụ Tăng Hồng Phong chính là điểm tựa tinh thần vững chắc.
Không hào nhoáng, không ồn ào, cụ Tăng Hồng Phong sống lặng lẽ nhưng mẫu mực. Một đời đi theo cách mạng, trung thành với Đảng, sống vì cộng đồng và đặc biệt là trong mấy chục năm không rời tờ báo Đảng - Báo Nhân Dân, tấm gương ấy xứng đáng để mọi thế hệ học tập và noi theo.
Còn nhớ hôm trò chuyện với đồng chí Bí thư Đảng ủy phường Chiềng Lề, vị lãnh đạo phường này đã khẳng định: Trong thời đại ngày nay, khi tốc độ phát triển của xã hội đôi khi khiến con người ta dễ lãng quên đi những giá trị truyền thống, thì những tấm gương như cụ Tăng Hồng Phong chính là điểm tựa tinh thần quý giá. Bởi cụ không chỉ là 1 người đảng viên trọn đời vì Đảng, 1 cựu chiến binh suốt đời giữ trọn lời thề, một công dân mẫu mực, mà cụ Tăng Hồng Phong còn là hiện thân sinh động của tinh thần “Còn Đảng thì còn mình”.