Du lịch Việt cần chuyển đổi xanh

Đó là ý kiến của các đại biểu tham gia diễn đàn du lịch cấp cao 'Chuyển đổi xanh, du lịch Net Zero - kiến tạo tương lai', tổ chức ngày 5/9, tại TPHCM. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM 2024.

Ngành du lịch Việt Nam đang hướng đến phát triển du lịch xanh.

Ngành du lịch Việt Nam đang hướng đến phát triển du lịch xanh.

Ông Lương Quang Huy - đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, mọi người cứ tưởng du lịch ít hoặc không ảnh hưởng nhiều đến môi trường, thực tế không phải vậy. Du lịch liên quan nhiều đến giao thông vận tải, lưu trú, thăm quan, mua sắm... nên ảnh hưởng nhiều đến môi trường về khí thải, rác thải…

Theo tính toán, 1 năm Việt Nam thải ra khoảng trên dưới 500 triệu tấn CO2, trung bình một người thải khoảng 5 tấn/năm. Vị này dẫn chứng: “Một gia đình 4 người ở Hà Nội vào TPHCM du lịch vài ngày rồi trở lại Hà Nội sẽ thải khoảng 1-2 tấn CO2.

Nói như vậy để thấy, du lịch tác động rất nhiều đến môi trường sống. Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn sử dụng năng lượng hóa thạch, thay vì năng lượng tái tạo. Yêu cầu hiện nay, cần chuyển dịch, chuyển đổi phát triển theo hướng du lịch xanh”.

Về thách thức trong phát triển du lịch mang tính bền vững, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TPHCM băn khoăn, thành phố có hơn 10 triệu dân sinh sống, 3 triệu dân nhập cư và 40 triệu du khách mỗi năm, vì vậy thành phố đang đối mặt với vấn đề phát triển bền vững.

Số liệu thống kê của các đơn vị cho thấy, sau hơn 2 năm khôi phục hoạt động, ngành du lịch toàn cầu gần như đã phục hồi so với trước đại dịch Covid-19.

Trước yêu cầu phát triển du lịch xanh, ông Dũng cho biết, TPHCM triển khai phát triển du lịch đường thủy, du lịch thực dưỡng, du lịch bằng giao thông điện... Mặc dù, phát triển du lịch theo hướng bền vững sẽ không ít khó khăn, song thành phố sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu này. Theo kế hoạch, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện một cách nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả các kế hoạch phát triển du lịch bền vững. Từ đó, cùng chung tay hướng đến giảm phát thải trên toàn cầu, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống và môi trường văn hóa vì thế hệ hôm nay và mai sau.

Đề ra giải pháp phát triển du lịch xanh, ông Lương Quang Huy nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp du lịch đã triển khai hoạt động xanh hóa của ngành, song vẫn cần sự tham gia, vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Nếu hướng đến năm 2050, phát thải ròng bằng 0, đòi hỏi phải giảm khí thải CO2, sử dụng điện gió, sử dụng điện mặt trời...

Đại diện Bộ Du lịch Campuchia cho biết: “Chính phủ Campuchia đang đẩy mạnh chương trình dấu chân môi trường của ngành du lịch. Trong đó, tháng 11/2023, Campuchia phát động chiến dịch Bầu trời xanh và Net Zero. Việc này đồng nghĩa, Campuchia sẽ phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng....; khách sạn, nhà hàng cam kết giảm thiểu chất thải; phát triển giao thông công cộng, giao thông điện... Tôi nghĩ, Việt Nam cũng nên đẩy mạnh phát triển du lịch xanh theo hướng này”.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững trở thành xu hướng chung của toàn cầu, Việt Nam không đứng ngoài sự phát triển trên. Sắp tới, các địa phương phải thực hiện chuyển đổi xanh trong du lịch, đầu tư xanh, phát triển du lịch xanh, khuyến khích tạo sản phẩm xanh nhằm thu hút du khách.

Đặc biệt, đa dạng loại hình du lịch, trong đó có du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch bảo tồn và phát huy văn hóa 54 dân tộc... “Để hướng đến mục tiêu du lịch xanh cần sự đòi hỏi chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý ngành du lịch, cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chính sách” - ông Hùng nhấn mạnh.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/du-lich-viet-can-chuyen-doi-xanh-10289400.html