Du lịch Việt mãi bị động nếu…
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company (công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu chuyên sâu về du lịch, khách sạn), cho rằng để khai thác tốt thị trường khách du lịch quốc tế, ngành du lịch cần chiến lược, kịch bản và cả kế hoạch hành động, không nên bị động chờ khách đến.
PHÓNG VIÊN: - Việc Trung Quốc không chọn Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia thí điểm du lịch theo đoàn đang mang đến nhiều nỗi lo về mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm nay. Ông nghĩ gì về điều này?
Ông ĐẶNG MẠNH PHƯỚC: - Nói về con số 8 triệu khách du lịch quốc tế, thời điểm này, thật khó để khẳng định chúng ta có thể hoàn thành được hay không vì vẫn còn khá sớm. Tuy nhiên, với vai trò là thị trường truyền thống của Việt Nam, nếu khách Trung Quốc không tới ngành du lịch sẽ gặp nhiều thách thức. Chúng ta dường như không có dự báo thị trường cụ thể nào trong kịch bản không có khách Trung Quốc.
Theo góc nhìn của tôi, thị trường khách Trung Quốc là thị trường lớn với nhiều phân khúc, nhưng không dễ để khai thác hiệu quả. Lâu nay chúng ta vẫn đón khách đoàn, phân khúc chi tiêu thấp. Còn khách lẻ phân khúc chi tiêu cao, không ưu tiên chọn điểm đến Việt Nam. Trong khi đây là nhóm khách phục hồi sớm sau dịch.
Nhiều số liệu đang cho thấy Thái Lan là điểm đến được nhiều du khách Trung Quốc lựa chọn, một phần vì chính sách cho du lịch của Thái Lan khá linh động. Thái Lan cũng là quốc gia có những chiến lược phù hợp để từng bước đón được phân khúc chi tiêu cao của khách Trung Quốc. Vì thế, đã đến lúc ngành du lịch Việt Nam cần có những chiến lược cụ thể để có thể thu hút phân khúc này.
Chúng ta phải nghiên cứu thị trường, hiểu hành vi tiêu dùng của nhóm khách mục tiêu, từ đó có những chiến dịch truyền thông phù hợp, thu hút họ một cách chủ động. Ngoài ra các sản phẩm dịch vụ của mình cũng phải thay đổi, bởi khách chi tiêu cao chắc hẳn cũng có những yêu cầu đặc thù hơn khi đến bất cứ điểm du lịch nào.
Sẽ có ý kiến cho rằng chúng ta khó thể đạt được như Thái Lan, vì họ có nhiều chính sách ưu tiên cho du lịch. Đúng là như vậy, nhưng nếu cứ làm thị trường mà không có mục tiêu, chiến lược, thiếu dữ liệu chuyên sâu, chúng ta sẽ mãi bị động.
- Trung Quốc không chỉ là thị trường lớn của Việt Nam, còn là của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nhưng có lẽ cũng phải tính đến chuyện giảm phụ thuộc và khai thác hiệu quả hơn các thị trường khác, thưa ông?
- Thực tế quốc gia nào cũng đều không muốn quá phụ thuộc vào 1 thị trường và đều có những bước thay thế dần dần. Với ngành du lịch Việt Nam có lẽ cũng không quá khó khăn nếu muốn làm điều này, nhưng cần có thời gian và có những kịch bản cụ thể, không phải nói chuyển là có thể chuyển ngay.
Năm ngoái khi chúng ta vắng khách Trung Quốc, nhiều nhận định cho rằng nguồn khách lớn Ấn Độ có thể thay thế phần nào. Song thực tế cho đến nay lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam chưa được như kỳ vọng.
Theo tôi, tại thời điểm này trong ngắn hạn, ngoài thị trường khách Trung Quốc vẫn đang còn là ẩn số, chúng ta nên khai thác các thị trường khách cũ trước. Năm 2019, ngoài khách Trung Quốc, khách từ khu vực Đông Bắc Á, cụ thể là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, là những nguồn khách không nhỏ. Tuy nhiên, sau mấy năm dịch, khi du lịch của các quốc gia gần như trở về vạch xuất phát, chúng ta lại chưa chú ý đẩy mạnh công tác truyền thông đến các thị trường này để kéo khách trở lại.
Cụ thể, theo một khảo sát mới đây về xu hướng du lịch quốc tế của du khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chúng tôi thực hiện, du khách từ 3 quốc gia này hiện có mức độ nhận biết còn khá thấp về hình ảnh điểm đến Việt Nam. Điều đó có nghĩa họ chưa thực sự hiểu rõ và ấn tượng mạnh mẽ về Việt Nam, trong khi đây là nguồn khách rất tiềm năng.
Theo các số liệu thống kê, cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều thuộc top các quốc gia có lượng khách đi du lịch nước ngoài cao hàng đầu thế giới, các điểm đến ở châu Á luôn nằm trong danh sách ưa thích của du khách tại 3 quốc gia này. Chưa hết, có tới 40% du khách Hàn Quốc và Nhật Bản sẵn sàng nâng ngân sách cho các chuyến du lịch nước ngoài trong thời gian tới.
Với khảo sát này, chúng tôi hy vọng có thể giúp các doanh nghiệp và điểm đến tại Việt Nam đưa ra những hướng tiếp cận mới thu hút khách Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan tới tham quan cũng như quay trở lại nhiều lần.
- Ở mảng du lịch nội địa, nhiều người cho rằng với nhiều tín hiệu không khả quan, năm nay mục tiêu 102 triệu lượt khách nội địa cũng không khả thi, thưa ông?
- Năm 2023 thị trường du lịch nội địa vẫn là bệ đỡ quan trọng của ngành du lịch. Nhưng theo tôi mục tiêu 102 triệu lượt khách nội địa trong năm nay là lạc quan thái quá. Năm ngoái chúng ta bùng nổ du lịch nội địa khi đón được 101,3 triệu lượt khách, tăng mạnh so với kế hoạch ban đầu và so với cả năm cao điểm 2019.
Năm 2022 được xem là cao điểm của du lịch trong nước một phần vì du lịch outbound chưa mở lại, một phần vì người dân bị “cuồng chân” sau dịch nên muốn được đi du lịch. Hơn 101 triệu lượt khách tương đương với mỗi người dân đều đã đi du lịch 1 lần và năm nay sẽ khó có tăng trưởng cao hơn.
Theo quy tắc vận hành, sau khi đã đạt đỉnh thông thường thị trường sẽ có bước giảm để đảm bảo cho sự ổn định trong lâu dài. Nếu đi vào phân tích sâu hơn, năm 2023 có nhiều lý do để du lịch nội địa khó tăng trưởng vượt năm ngoái.
Thứ nhất, kinh tế năm nay khó khăn hơn nên người dân sẽ cân nhắc trước mỗi chuyến du lịch, nhất là năm trước họ đã được giải tỏa tâm lý sau dịch.
Thứ hai không kém phần quan trọng, là thị trường outbound đã mở cửa trở lại, du lịch nội địa sẽ phải chia bớt miếng bánh thị phần.
Tóm lại, ngành du lịch Việt Nam năm nay sẽ phải đối diện với nhiều thách thức. Và trong lâu dài ngay cả mảng du lịch nội địa chúng ta cũng cần có nghiên cứu kỹ để thu hút du khách đến rồi quay lại, không phải đến 1 lần rồi thôi. Trong khi với nhiều điểm đến nước ngoài du khách Việt đi rồi vẫn muốn trở lại nhiều lần.
- Xin cảm ơn ông.
Với du lịch, làm thị trường mà không có mục tiêu, chiến lược, thiếu dữ liệu chuyên sâu, chúng ta sẽ mãi bị động.
Nguồn SGĐT: https://www.saigondautu.com.vn/du-lich-viet-mai-bi-dong-neu-post102252.html