Du lịch Việt Nam 2022: Phục hồi và bứt phá
Sau 2 năm lao đao vì đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đang khởi sắc và dần bứt phá với những tín hiệu rất lạc quan. Những thành quả có được vào nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, trong đó vai trò của Tổng cục Du lịch và sự vào cuộc của các địa phương là vô cùng quan trọng.
Bước ngoặt từ quyết định mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch
Quả thật, trong báo cáo tình hình du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Tổng Cục Du lịch đã công bố những con số rất đáng mừng về hoạt động du lịch. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đạt hơn 92.400 lượt, riêng tháng 4/2022 đạt 70.000 lượt, gấp 4,5 lần so với tháng 3. Thị trường du lịch nội địa sôi động với lượng khách du lịch nội địa 4 tháng đầu năm 2022 đạt 36,6 triệu lượt, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Chỉ riêng trong bốn ngày nghỉ lễ (từ ngày 30/4/2022 – 03/5/2022), ngành du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22 nghìn tỷ đồng.
Biểu diễn pháo hoa và nhạc nước tối 30/4 tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, TP.HCM - Ảnh: Minh Thắm
Kết quả phục vụ khách du lịch tại một số địa phương trọng điểm du lịch trong 4 tháng đầu năm đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2021, cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt trong 2 đợt nghỉ lễ (Giỗ tổ Hùng Vương và Lễ 30/4-1/5), nhiều địa phương đã đạt và vượt chỉ tiêu phục vụ khách du lịch, ghi nhận lượt khách tham quan tăng cao gấp nhiều lần so với dự kiến (Thanh Hóa, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh…).
Những kết quả lạc quan này xuất phát từ quyết định mạnh mẽ và đúng đắn của Chính phủ, cho phép mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3. Đây được xem như tạo ra hành lang, mở nút thắt giải quyết những khó khăn cho ngành du lịch, khi những quy định về nhập cảnh với khách du lịch quốc tế, những rào cản cho việc các hoạt động văn hóa, du lịch tại các địa phương được gỡ bỏ.
Phải nói rằng, điểm nhấn của thành công đó chính là nhờ sự tích cực vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Các địa phương có thế mạnh về du lịch đã chủ động tổ chức nhiều chương trình quảng bá điểm đến thông qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện nghệ thuật, du lịch nhằm thu hút du khách du lịch.
Các doanh nghiệp du lịch cũng đã lên kế hoạch hoàn thiện, làm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch. Đồng thời, nhiều hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh/thành phố được tái khởi động và kích hoạt.
Chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022” tại khu vực Nhà Bát giác, vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm - Ảnh: Tổng cục Du lịch
Tất cả những hoạt động này diễn ra liên tục, tiếp nối nhau kích hoạt cho “cỗ máy du lịch” hoạt động mạnh mẽ hơn, tạo ra một bầu không khí sôi động, thúc đẩy nhu cầu du lịch nội địa cũng như khơi gợi, tạo sự tin tưởng để du khách quốc tế lựa chọn Việt Nam như một điểm đến an toàn, hấp dẫn và thân thiện.
Những thách thức và hy vọng khởi sắc
Không bỏ lỡ cơ hội tận dụng SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam, Hà Nội, các tỉnh thành đăng cai các hoạt động thi đấu thể thao và các địa phương trên cả nước, đã chuẩn bị sẵn các phương án, kế hoạch thúc đẩy quảng bá du lịch.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, chỉ trong thời gian diễn ra đại hội thể thao Đông Nam Á, Thủ đô đã đón hơn 700 nghìn du khách nội địa và hơn 30 nghìn khách du lịch quốc tế. Nhiều địa phương khác cũng báo cáo những con số đầy khởi sắc. Điều quan trọng, Hà Nội và các địa phương đã tạo được dấu ấn đậm nét về hình ảnh một Việt Nam an toàn, thân thiện và mến khách. Đây như “lời giới thiệu” đầy hiệu quả, góp phần thúc đẩy và quảng bá du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Lễ hội du lịch Hà Nội với chủ đề “Đến để yêu” thu hút nhiều khách quốc tế tìm hiểu các sản phẩm du lịch - Ảnh: Thùy Linh
Chia sẻ với Báo Nhà báo & Công luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - ông Phạm Văn Thủy cho biết: “Sự chủ động chuẩn bị và triển khai nhiều sự kiện và các hoạt động du lịch quy mô lớn của nhiều địa phương, các trung tâm du lịch lớn, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực, cung ứng nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn của các doanh nghiệp du lịch trên cả nước đã thu hút khách du lịch đến, tạo điều kiện để hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi trở lại”.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đánh giá, kết quả hoạt động du lịch trong hai tháng vừa qua cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, thể hiện nhu cầu đi du lịch rất cao của người dân sau 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, đồng thời khẳng định khách du lịch bước đầu vượt qua sự e dè, lo ngại về dịch bệnh để tham gia các hoạt động du lịch trong nước.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Thủy cũng thừa nhận ngành du lịch Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: Tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu du lịch; cuộc xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng tới nguồn khách Nga đến Việt Nam; Chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau.
Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) hiện vẫn đang siết chặt phòng chống dịch. Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách “không COVID”, chưa cho phép du lịch quốc tế; Nhật Bản vẫn yêu cầu cách ly 7 ngày, Đài Loan quy định cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh...); Khách du lịch quốc tế bắt đầu đến Việt Nam nhưng lượng khách chưa nhiều vì du lịch quốc tế hiện đang vào mùa thấp điểm và nhiều thị trường trọng điểm chưa mở cửa.
Ngoài ra, ngành du lịch còn phải đối mặt với nhiều trở ngại khác như: Các sự kiện truyền thông và xúc tiến, quảng bá của du lịch Việt Nam ở nước ngoài chưa được đẩy mạnh. Việc truyền thông và cung cấp thông tin cho đối tác quốc tế chủ yếu là tự thực hiện thông qua hình thức trực tuyến; Việc kết nối, trao đổi giữa các doanh nghiệp bị gián đoạn trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19.
Kết nối lại giữa các doanh nghiệp đối tác hoặc tìm doanh nghiệp đối tác mới cần có thời gian trao đổi, thảo luận, đàm phán về dịch vụ, về giá và quảng bá, bán tour; Nhân lực ngành du lịch vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng; Công tác quy hoạch tại một số khu du lịch vui chơi, giải trí còn bất cập do thủ tục phê duyệt rườm rà dẫn đến việc đầu tư, nâng cấp tạo sản phẩm du lịch mới còn hạn chế, dẫn đến thiếu sức hút cạnh tranh.
Dẫu vậy, ông Thủy khẳng định ngành Du lịch Việt Nam sẽ nỗ lực, vượt qua những khó khăn, thực hiện nhiều chương trình kết nối, quảng bá, xúc tiến du lịch, để những gì đạt được sau 6 tháng đầu năm sẽ trở thành động lực thúc đẩy du lịch bứt phá trong năm 2022, cố gắng hoàn thành mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa và đạt tổng thu từ du lịch khoảng 400 nghìn tỷ đồng.
“Nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam đã phát triển đạt tiêu chuẩn hàng đầu thế giới. Du lịch Việt Nam hiện nay hoàn toàn có đủ khả năng phục vụ các sự kiện văn hóa thể thao tầm cỡ khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch bốn phương”, ông Phạm Văn Thủy tự tin cho biết.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-lich-viet-nam-2022-phuc-hoi-va-but-pha-post199574.html