Du lịch Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới: Lộ trình để bứt phá mạnh mẽ

Để tạo bứt phá cho du lịch bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng, toàn ngành sẽ tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong giai đoạn tới.

Du lịch Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, cần lộ trình để bứt phá mạnh mẽ. (Ảnh minh họa: Vương Công Nam/Vietnam+)

Du lịch Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, cần lộ trình để bứt phá mạnh mẽ. (Ảnh minh họa: Vương Công Nam/Vietnam+)

Hoạt động du lịch cả nước tiếp tục khởi sắc với số lượng khách nội địa duy trì tốc độ tăng trưởng, lượng khách quốc tế tăng cao ở nhiều điểm đến; giá phòng và các dịch vụ du lịch không có nhiều biến động lớn; tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm đến được đảm bảo; hoạt động du lịch trên địa bàn cả nước diễn ra sôi động, an toàn…

“Kết quả đó là minh chứng cho hướng đi đúng, kịp thời của ngành du lịch trong cơ cấu lại thị trường khách, định hướng xây dựng sản phẩm, công tác xúc tiến, quảng bá hiệu quả cả trên thực địa và trên các nền tảng số cùng hiệu ứng tích cực từ chính sách thị thực mới,” Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh khẳng định tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch 6 tháng cuối năm 2025, vừa diễn ra chiều nay, ngày 9/7, tại Hà Nội.

Những “điểm sáng” đáng chú ý

Theo số liệu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt (tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024), đạt 48,6% so với Kế hoạch năm 2025 (22-23 triệu lượt khách).

Lượng khách nội địa đạt 77,5 triệu lượt (tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024), đạt 64,5% so với kế hoạch năm 2025 (120-130 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 518 nghìn tỷ đồng (đạt 52,8% so với kế hoạch năm 2025 (980.000-1.050 nghìn tỷ đồng).

Trong số đó, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về lượng khách với 22,19 triệu lượt người (khách quốc tế ước đạt 3,85 triệu lượt; tăng 44% so với cùng kỳ năm 2024); tổng thu từ du lịch ước đạt 117.937 tỷ đồng (tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2024).

 Du khách tìm hiểu về các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Du khách tìm hiểu về các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Đặc biệt, dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tinh thần “Tự hào 50 năm - Rạng rỡ Thành phố mang tên Bác,” thành phố mang tên Bác đã thực sự ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người dân và du khách, tạo nên sức lan tỏa về niềm tự hào của toàn dân tộc, đem đến cho du khách những trải nghiệm ấn tượng trong ngày hội lớn của đất nước những ngày cuối tháng Tư lịch sử.

Bên cạnh đó, trong top 5 địa phương dẫn đầu về lượng khách du lịch lần lượt là Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Kiên Giang.

Theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, 6 tháng qua, công tác xúc tiến, quảng bá của toàn ngành tiếp tục chuyển biến tích cực với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ số, gắn với văn hóa - nghệ thuật - điện ảnh, tập trung vào các nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Australia, Nga, Pháp… cùng hàng loạt chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài.

Quy mô, số lượng, tần suất, phạm vi ngày càng tăng của hoạt động xúc tiến tại khắp các châu lục trên toàn thế giới là minh chứng cho sự chủ động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới cả về hình thức, nội dung và phương pháp xúc tiến du lịch, kết hợp hài hòa nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội.

Song song với hoạt động xúc tiến, quảng bá trên thực địa, công tác truyền thông, quảng bá các loại hình sản phẩm du lịch có thế mạnh, cao cấp, chất lượng như du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe, MICE… trên các nền tảng số được đẩy mạnh và đạt hiệu quả tích cực.

 Du khách trên hành trình tri ân vùng đất anh hùng Điện Biên. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Du khách trên hành trình tri ân vùng đất anh hùng Điện Biên. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Lộ trình bứt phá

Với những kết quả tích cực của 6 tháng đầu năm, theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, để tạo bứt phá cho ngành du lịch bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và toàn ngành sẽ tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong giai đoạn tới.

Theo đó, cục sẽ tham mưu hoàn thiện thể chế theo hướng “kiến tạo phát triển;” nghiên cứu, tham mưu ban hành “chính sách, cơ chế đột phá;” tiếp tục định hướng phát triển du lịch đi vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu: xây dựng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp và sản phẩm đặc thù theo vùng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực… mang tầm của điểm đến thế giới trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh quốc gia gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.

Đặc biệt, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch đẳng cấp, mang lại những giá trị trải nghiệm thực sự đặc sắc, ấn tượng cho du khách; định hướng phát triển, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm.”

 Du khách đổ về chiêm bái xá lợi Phật ở chùa Tam Chúc. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)

Du khách đổ về chiêm bái xá lợi Phật ở chùa Tam Chúc. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)

Ngoài ra, toàn ngành sẽ cơ cấu lại thị trường để phù hợp với tiềm năng, lợi thế, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động trên thị trường thế giới; đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng du lịch, cải thiện khả năng cạnh tranh về chi phí logistics, nhân lực;

Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, các nền tảng số kết nối hệ thống thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách và điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế; định hướng phát triển, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu./.

Tuy đã đạt được những kết quả nổi bật trong 6 tháng qua, song lãnh đạo ngành nhận định du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Các quốc gia trong khu vực ban hành những chính sách thu hút khách linh hoạt đã tạo sức cạnh tranh lớn…, ảnh hưởng đến chất lượng, số khách quốc tế đến Việt Nam; sản phẩm du lịch mặc dù được làm mới theo hướng đa dạng hóa nhưng chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh, giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự hấp dẫn; giá vé máy bay tăng cao trong các dịp cao điểm du lịch.

Ngoài ra, hành lang pháp lý để phát triển một số loại hình sản phẩm mới còn chưa thuận lợi (như quy định về quản lý đất đai phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; cơ chế, chính sách cho phát triển sản phẩm du lịch đêm)…

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/du-lich-viet-nam-buoc-vao-ky-nguyen-moi-lo-trinh-de-but-pha-manh-me-post1048768.vnp