Du lịch Việt trong đại dịch Covid-19: Kháng thể nào cho ngành du lịch?

Trước việc bùng phát dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra, ngành du lịch đang trực tiếp phải chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là trong thời gian cao điểm đầu năm. Các công ty du lịch lữ hành điêu đứng giữa mùa dịch bệnh. Nhưng, nhìn tích cực hơn, đây là một liều thuốc để tăng cường sức khỏe cho ngành du lịch.

Giảm sút về lượng khách

Theo Dự thảo kế hoạch ứng phó của ngành du lịch với dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra của Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL), trong 3 tháng tới du lịch Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Nguyên nhân là do Trung Quốc đã hạn chế công dân đi ra nước ngoài; Việt Nam không đưa, đón khách từ vùng dịch, tạm dừng tất cả các lễ hội, các hoạt động tại một số khu di tích, danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, các thị trường quốc tế khác đang ngại đến khu vực châu Á. Người dân Việt Nam cũng đang hạn chế đi du lịch... Dự kiến, tổng thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam trong 3 tháng tới vào khoảng 5,9 tỷ USD.

Với những ước tính trên, có thể thấy đây là một kịch bản ngoài ý muốn mà ngành du lịch Việt phải đối mặt ngay trong dịp đầu năm. Bởi ngay từ khi virus Corona bùng phát và xuất hiện những ca mắc đầu tiên tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ cung ứng du lịch hay các khách sạn, điểm đến rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái, lưỡng nan” khi số lượng khách hoàn, hủy tour gia tăng theo từng ngày. Đơn cử, tại Hà Nội, lượng khách hủy phòng tính đến thời điểm này đã lên tới hơn 13 nghìn phòng, tương đương hơn 1,6 vạn khách; các hoạt động vận chuyển giảm 30-50%. Thừa Thiên - Huế dù chưa có ca nào mắc bệnh, tuy nhiên virus Corona khiến du lịch tỉnh này sụt giảm ít nhất 10%. Khách quốc tế đến Đà Nẵng giảm 30-40%, còn công suất lưu trú khách sạn chỉ đạt khoảng 30%. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh - địa điểm luôn thu hút một lượng khách lớn đến từ Trung Quốc - đang chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề. Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh, thường ngày khoảng 12 nghìn khách tham quan vịnh Hạ Long, nay còn 3 nghìn và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Cũng theo các chuyên gia du lịch, từ kinh nghiệm đối phó với những dịch bệnh tương tự từng xảy ra như đại dịch SARS, ngành du lịch sẽ phải mất ít nhất 3 - 4 tháng trong việc thu hút khách và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, có những địa phương giảm tới 90% lượng khách. Chuỗi dịch vụ ngành du lịch, từ hàng không, lưu trú, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm… đều bị thiệt hại nặng nề, ước tính trong 3 tháng tới có thể lên đến 7,7 tỷ USD.

Dự báo của ngành du lịch, sớm nhất tới đầu quý IV mới có thể phục hồi và trở lại bình thường. Đây là thách thức không nhỏ với ngành du lịch để đạt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách trong năm 2020.

Trong bối cảnh rơi vào thế bị động, ngành du lịch phải gồng mình phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh. Song đây lại là thời điểm thích hợp để ngành điều chỉnh trọng tâm thu hút khách du lịch.

Bởi thực tế những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường khách nguồn lớn nhất của du lịch Việt Nam, đóng góp 30-40% lượng khách.

Năm 2019, trong tổng số 18 triệu lượt khách quốc tế có 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm hơn 30%. Trong tháng 1/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước gần 2 triệu, trong đó có 644.700 lượt người đến từ Trung Quốc, tăng 72,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh nghiệm từ việc ứng phó với khủng hoảng do dịch bệnh trước đây, cho thấy du lịch nội địa phục hồi sau đại dịch SARS chỉ khoảng 3 tháng, còn du lịch quốc tế chậm hơn.

Cụ thể, tháng 5/2003 chúng ta công bố dịch SARS, tháng 7 thị trường du lịch nội địa quay lại như cũ. Sau đó, cả thị trường nội địa và quốc tế đều bùng lên, vì cả thời gian trước nhu cầu du lịch bị nén lại. Vì vậy, chúng ta cần chớp cơ hội để thu hút khách.

Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Hoàng Nhân Chính cho rằng, đây là thời điểm nhạy cảm, các cấp ngành, người dân và doanh nghiệp cần bình tĩnh tìm biện pháp ứng phó, thích nghi để hạn chế, phòng chống dịch. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, thay đổi các mục tiêu, kế hoạch cho phù hợp với thực tế; bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, và về lâu dài là cho chính ngành Du lịch. Cũng cần tính tới việc sau khi dịch bệnh lắng xuống, làm thế nào để có thể hoạt động, thu hút khách trở lại một cách tốt nhất.

“Giải cứu” du lịch: Từ đâu?

Khó khăn là có thật nhưng nếu nhìn tích cực sẽ thấy có những cơ hội cho ngành du lịch phục hồi. Có một thực tế đáng suy nghĩ: khách Việt không đi du lịch (ngay cả đi trong nước) nhưng khách Tây vẫn đi bình thường.

Đây không phải là dịch bệnh đầu tiên và không phải là cuối cùng có thể xảy đến. Việc phát hiện và điều trị bệnh dịch ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt. Nhiều ca bệnh được chữa trị thành công. Đóng băng du lịch nội địa có phải uổng phí không?

Du lịch nước ngoài cũng vậy. Đây không hẳn là thời điểm không tốt để đi du lịch cả trong và ngoài nước. Đi du lịch mùa vắng, vừa được khuyến mãi giá rẻ hơn vừa được hưởng dịch vụ và chăm chút tốt hơn.

Có thể không đi Trung Quốc hay những nơi có nguy cơ lây nhiễm. Nhưng nhiều nơi (như ĐBSCL chẳng hạn) chưa có ca lây nhiễm nào, vậy tại sao không đi?

Thật khó cho các đơn vị lữ hành khi khách Việt chọn ở nhà. Nhưng ai sẽ giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn này ngoài chính họ?

Đây là một lần tổng duyệt ứng phó, cơ hội thử thách bản lĩnh của lãnh đạo doanh nghiệp du lịch và sự gắn bó, chung sức, sáng tạo, vượt khó của từng người làm du lịch. Sao chỉ kêu khổ? Kêu than cũng chẳng ích gì, phải tồn tại rồi mới tính chuyện phát triển. Đây cũng là lúc sàng lọc lại các doanh nghiệp du lịch.

Giữa tâm bão thiệt hại, có doanh nghiệp du lịch đã gửi tâm thư cho tất cả nhân viên, công ty chấp nhận lỗ. “Cam kết không cắt lương, không giảm nhân sự. Tất cả đồng lòng, chắt chiu cơ hội, tiết kiệm chi phí, huấn luyện nhân lực, dồn sức thực hiện các dự án để chuẩn bị tăng tốc khi hết dịch”.

Có bị bệnh mới biết quý sức khỏe, gian nan thử sức, khó khăn thử doanh nghiệp. Dịch bệnh Corona là dịp các doanh nghiệp nhìn lại để điều chỉnh nhiều việc trong đơn vị mình trước hoàn cảnh mới.

Mới đây tại Hội nghị trực tuyến “Giải pháp hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona đối với du lịch Việt Nam” rất nhiều ý kiến cho rằng dù nhiều thách thức nhưng đây cũng là dịp để du lịch Việt có một “phép thử” toàn diện.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, trước mắt du lịch nội địa là hướng ưu tiên hàng đầu sau khi hết dịch bệnh. Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai một chương trình kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ ngay trước và sau khi dịch kết thúc. Với các doanh nghiệp du lịch, sau khi đỉnh điểm dịch đi qua, để khôi phục và thúc đẩy du lịch nội địa cần lựa chọn điểm đến phù hợp nhất. Có thể xem xét lựa chọn các điểm đến mới, nơi không bị dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch để thu hút khách du lịch nội địa phù hợp với điều kiện, năng lực, sở trường của công ty. Cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường. “Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ có những kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch để đẩy mạnh thu hút khách vào Việt Nam như tiền điện nước, giảm thuế VAT, miễn visa...” - ông Bình cho biết.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Bảo cho biết, hiện tại Quảng Ninh vẫn mở cửa cho khách tham quan vịnh Hạ Long, không thể để các hoạt động ngừng trệ. Chúng ta không nên cấm, dừng triệt để hoạt động ở các điểm không có dịch. Bà Bảo cũng đề xuất, tranh thủ thời điểm vắng khách, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung nâng cấp cơ sở vật chất tại các điểm du lịch, cơ sở lưu trú để nâng cao chất lượng phục vụ. Cần kích cầu du lịch ngay sau khi đẩy lùi được dịch bệnh. Cùng với đó là các hình thức liên kết kích cầu nội địa. Liên kết để giảm giá vé máy bay, ô tô, khách sạn, điểm du lịch, thậm chí giảm giá quyết liệt để giữ khách trong nước...

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-lich-viet-trong-dai-dich-covid-19-khang-the-nao-cho-nganh-du-lich-post73904.html