Du lịch vùng đất 'Chín Rồng' với những định hướng phát triển mới
Là một trong những vùng du lịch trọng điểm của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long với đặc thù về khí hậu, hệ sinh thái, cảnh quan, văn hóa có nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc mang tính khám phá, trải nghiệm.
Đón năm mới Ất Tỵ với tâm thế cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, đối với phát triển kinh tế du lịch, các địa phương trong vùng bám sát những quy hoạch đã được phê duyệt, triển khai nhiều giải pháp để du lịch vùng đất "Chín Rồng" luôn giữ vững thương hiệu và có sức bật mạnh mẽ hơn.
Phát triển sản phẩm đặc trưng
Với quan điểm phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định Đồng bằng sông Cửu Long là một trong các vùng du lịch của cả nước.
Theo đó, du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ hệ sinh thái sông nước, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch biển, đảo, di tích lịch sử văn hóa cùng các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng. Các địa phương thuộc vùng ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng riêng như du lịch sông nước miệt vườn; tìm hiểu di sản văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, vui chơi giải trí.
Cùng với đó, để tạo sức bật cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương thuộc vùng tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm như: An Giang - Đồng Tháp - Long An; Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; Kiên Giang - Cà Mau. Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cũng đẩy mạnh liên kết với vùng Đông Nam Bộ theo các hành lang du lịch Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, với Campuchia, Thái Lan theo hành lang ven biển phía Nam…
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, năm 2024 vừa qua, toàn vùng thu hút trên 52 triệu lượt du khách, tổng doanh thu khoảng hơn hơn 62 nghìn tỷ đồng. Phát huy kết quả này, năm 2025, các địa phương trên cơ sở thế mạnh, đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa gắn với sông nước miệt vườn, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch biển, đảo nghỉ dưỡng, du lịch gắn với sự kiện. Trong đó, định hướng phát triển triển xanh, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu bao trùm các sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn, nét đặc thù cho du lịch vùng.
Thành phố Cần Thơ ở vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có lợi thế vị trí địa lý về kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh trong vùng cả về đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Với lĩnh vực du lịch, Cần Thơ khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tài nguyên du lịch của thành phố, nhất là vai trò trung tâm vùng, vị trí cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong .
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn, thành phố tập trung phát triển mạnh các sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch sinh thái sông nước đô thị; du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch văn hóa tham quan các di tích lịch sử, văn hóa; du lịch cộng đồng... Thành phố Cần Thơ khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư lớn nhằm sớm thực hiện các dự án sinh thái như: Khu du lịch sông Hậu, khu du lịch Cồn Sơn, khu du lịch sinh thái Phong Điền, khu du lịch Cù Lao Tân Lộc... góp phần khai thác tài nguyên du lịch sông nước, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa bản địa, phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững.
Cùng với đó, các ngành, địa phương khảo sát, đánh giá tài nguyên du lịch, các điểm du lịch trên địa bàn, có phương án phát triển phù hợp, tránh trùng lặp sản phẩm du lịch. Thành phố ưu tiên đầu tư các loại hình du lịch đặc trưng như: Du lịch sông nước miệt vườn, tham quan chợ nổi, du lịch văn hóa, du lịch gắn sự kiện, hội nghị. Cùng đó, Cần Thơ quan tâm tôn tạo các công trình kiến trúc, di tích văn hóa, lịch sử; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc, các làng nghề, khai thác các loại hình văn hóa phi vật thể phục vụ du khách.
Tăng liên kết, nâng chất du lịch trải nghiệm
Cùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, được bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu mang nhiều phù sa bồi đắp, Đồng Tháp là tỉnh sản xuất nông nghiệp với nhiều sản vật nổi tiếng, đặc biệt là hoa, trái cây, thủy sản. Người dân Đồng Tháp cần cù, sáng tạo, hồn hậu và mến khách. Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề. Đây là những lợi thế để Đồng Tháp tập trung phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, Đồng Tháp tiếp tục đổi mới nhiều sản phẩm dịch vụ gắn với 65 điểm tham quan du lịch, gắn với nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề. Năm 2025, du lịch Đồng Tháp phấn đấu thu hút 5 triệu lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm, tổng thu từ du lịch đạt 2.100 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, tỉnh tập trung xây dựng, phát triển hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với lợi thế địa phương, phù hợp với từng thị trường khách nội địa, khách quốc tế. Đồng thời, tỉnh hoàn chỉnh và đưa vào khai thác các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng theo Chương trình phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, tỉnh phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, kết nối và xây dựng thêm nhiều tour, tuyến du lịch nông thôn, nâng cao chất lượng các chương trình du lịch nổi bật của tỉnh như: Trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn quốc gia Tràm Chim; trải nghiệm một ngày làm nông dân ở Xẻo Quít; trải nghiệm mỗi ngày một nghề tại thành phố Sa Đéc; đi trong màu xanh của vườn trái cây đặc sản như quýt hồng Lai Vung, xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành; lan tỏa thương hiệu du lịch “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn Sen”. Đồng Tháp cũng tăng cường phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khai thác tuyến du lịch mới “Sắc màu vùng biên”; phối hợp với các tỉnh Long An, Tiền Giang hoàn thiện chương trình du lịch “Hành trình ba địa phương một điểm đến”, phối hợp với tỉnh An Giang phát triển tuyến du lịch văn hóa tâm linh, văn hóa lịch sử.
Một địa phương khác là tỉnh Long An, nằm ngay cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2024, ngành du lịch tỉnh đón trên 2 triệu lượt du khách. Năm 2025, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp lợi thế địa phương là du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao - du lịch golf, du lịch nông thôn, du lịch tham quan mùa nước nổi...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn cho hay, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch đường sông gắn với khai thác cảnh quan thiên nhiên và các di tích lịch sử,văn hóa, làng nghề thuộc lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, qua đó từng bước định hình tính đa dạng nhưng thể hiện đặc trưng của du lịch địa phương để du khách đến Long An thực sự cảm nhận được vùng đất giàu bản sắc và có bề dày truyền thống, năng động, hội nhập.
Nhấn mạnh giải pháp liên kết, hợp tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch, đặc biệt là với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là giải pháp được Long An coi trọng thực hiện, nhằm có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, trải nghiệm có giá trị, khả năng cạnh tranh cao, hạn chế sự trùng lặp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.