Dữ liệu cá nhân được bán 'công khai, rộng rãi' trên chợ online

Thông tin cá nhân như họ tên, tuổi, số điện thoại, địa chỉ cư trú... tưởng chừng là 'bí mật' thì giờ đây lại được 'bán, mua' một cách tràn lan, công khai trên chợ online.

Dữ liệu cá nhân - “mỏ vàng” của đối tượng lừa đảo

Một vài năm trở lại đây, thị trường mua - bán dữ liệu cá nhân hay gọi khác là “chợ đen data” ngày càng sôi động khiến cơ quan chức năng cũng như người dân đau đầu. Chỉ cần gõ tìm kiếm cụm từ: “Data khách hàng”, “Mua data khách hàng”, dễ dàng tìm thấy vô số nhóm mua bán dữ liệu với hàng ngàn thành viên. Nhiều lời mời chào hấp dẫn như: Mua bán, trao đổi data khách hàng mọi lĩnh vực, ngành nghề: bất động sản, bảo hiểm xã hội, mua nhà, hỗ trợ sàng lọc theo yêu cầu, cam kết uy tín, giá rẻ, bảo hành 1-1... Ngoài ra, để chứng minh độ uy tín các “cò data” còn sẵn sàng công khai luôn danh sách khách hàng.

 Ngập tràn chào mời bán dữ liệu cá nhân trên MXH. (Ảnh chụp màn hình)

Ngập tràn chào mời bán dữ liệu cá nhân trên MXH. (Ảnh chụp màn hình)

Chị L, trú tại phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa, cho biết: “Một ngày tôi phải nhận không biết bao nhiêu cuộc gọi mời mua nhà, mua bảo hiểm, vay tín dụng... của nhân viên telesale (môi giới tiếp thị, bán hàng qua điện thoại) khiến tôi cảm thấy rất phiền toái. Cứ chặn số này họ lại có số khác gọi đến, nhiều hôm đang trong giờ hành chính hay đang nghỉ trưa cũng bị làm phiền. Tuy nhiên, điều khiến tôi bất an là sao họ lại có thông tin cá nhân của tôi?”

Muốn mua dữ liệu ở lĩnh vực, ngành nghề nào cũng có. (Ảnh chụp màn hình)

Muốn mua dữ liệu ở lĩnh vực, ngành nghề nào cũng có. (Ảnh chụp màn hình)

Cụ thể, chỉ cần bỏ ra số tiền từ vài trăm đến vài triệu đồng, bất kỳ ai cũng có thể thu về hàng trăm đến hàng nghìn thông tin bao gồm: thông tin sinh trắc học, lý lịch cá nhân, mối quan hệ tình cảm, tình trạng sức khỏe, tài chính....

Không chỉ dừng lại ở đó, việc mua bán thông tin cá nhân diễn ra khá đơn giản, nhanh chóng, thậm chí người mua và người bán không cần gặp nhau, chỉ cần giao dịch bằng tài khoản ngân hàng khiến cho “thị trường” trên vẫn hoạt động một cách ngang nhiên, gây nhức nhối dư luận.

Anh S, trú tại phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa chia sẻ: “Thời đại công nghệ 4.0, việc cung cấp thông tin cá nhân để mở thẻ ngân hàng, mua sắm... là điều dễ hiểu. Nhưng việc chúng tôi phải cung cấp dữ liệu cá nhân thì lại chưa có gì đảm bảo dữ liệu cá nhân của chúng tôi được bảo mật an toàn. Tôi thường xuyên nhận được các cuộc gọi đến từ sim “rác”, không nghe thì lại sợ đối tác, bạn bè, anh, chị em có việc cần, mà nghe thì nhận được vô vàn lời mời chào đủ mọi thứ trên đời. Trước cứ nghĩ né các đầu số lạ có thể “thoát” được nhưng bây giờ họ tinh vi đến mức dùng các đầu số điện thoại như: Vinaphone, Viettel, Mobifone... để gọi điện.”

"Nguồn cơn” của lừa đảo trực tuyến

Đây được coi là “miếng mồi béo bở” của tội phạm mạng, nhằm thực hiện hành vi lừa đảo công nghệ cao. Thông qua việc thu thập thông tin cá nhân, các đối tượng có thể chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội và “giăng bẫy” cho người quen của nạn nhân.

Mặc dù, còn rất nhiều chiêu trò, thủ đoạn khác nhau nhưng mục đích cuối cùng là dẫn dụ người dân tự tiết lộ thông tin mật hoặc tự thực hiện giao dịch chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo và bị chiếm đoạt. Làm cho không ít người rơi vào cảnh trắng tay, nhiều gia đình tan cửa nát nhà vì lừa đảo mạng.

Việc lộ, lọt thông tin cá nhân trên không gian mạng rất nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Việc lộ, lọt thông tin cá nhân trên không gian mạng rất nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Mới đây, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1-7-2023 quy định về thu thập, chuyển giao, mua, bán trái phép dữ liệu cá nhân. Theo đó, đối với việc thu thập, sử dụng, phát tán, mua bán kinh doanh dữ liệu cá nhân không được phép, là hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, chủ thể dữ liệu, tức cá nhân có thể được xác định từ các thông tin đó, có các quyền, như quyền được biết, quyền đồng ý và rút lại sự đồng ý, quyền xóa dữ liệu. Đồng thời, tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo vệ dữ liệu để ngăn chặn tình trạng thu thập dữ liệu cá nhân trái phép từ hệ thống, trang thiết bị dịch vụ của mình.

 Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân do Chính Phủ ban hành. (Ảnh chụp màn hình)

Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân do Chính Phủ ban hành. (Ảnh chụp màn hình)

Việc lộ lọt thông tin cá nhân đã và đang trở thành vấn đề đáng báo động, để tự bảo vệ dữ liệu của mình, mỗi người cần chủ động phòng, chống lộ lọt thông tin bằng cách không cung cấp thông tin cá nhân cho các đơn vị, tổ chức không uy tín.

Mặt khác, người dân phải có ý thức coi thông tin cá nhân của mình là một loại tài sản để bảo vệ, cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi, email đến từ các địa chỉ lạ. Trong trường hợp gặp phải vấn đề liên quan đến việc lộ lọt dữ liệu cá nhân, người dân có thể phản ánh tại địa chỉ khonggianmang.vn, gửi nhắn tin, gọi điện qua tổng đài 156 để được hỗ trợ kịp thời.

Ngọc Lan

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/du-lieu-ca-nhan-duoc-ban-cong-khai-rong-rai-tren-cho-online/28701.htm