Dư luận Nga về tương lai quan hệ với Anh dưới thời tân Thủ tướng Rishi Sunak
Ngày 25/10, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đã trở thành tân thủ tướng của nước Anh. Dư luận Nga chưa thấy triển vọng cải thiện quan hệ với Anh, sau những trừng phạt cứng rắn mà Anh áp đặt với nước này.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, hiện tại Moscow “không thấy có điều kiện tiên quyết, không có căn cứ, không có hy vọng rằng, sẽ có sự phát triển tích cực nào đó trong tương lai gần” trong quan hệ với Anh. Theo ông, “Nga vẫn cởi mở và sẵn sàng thảo luận những vấn đề khó khăn nhất trên bàn đàm phán, nhưng không làm tổn hại đến lợi ích của chính mình".
Nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu của Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Vladimir Olenchenko bày tỏ quan điểm, không nên mong đợi "sự thay đổi nhanh chóng" trong quan hệ Nga-Anh. Ông lưu ý, Thủ tướng Rishi Sunak kiên quyết đi theo đường lối chung của Đảng Bảo thủ.
Nhà phân tích tài chính Vladislav Antonov của BitRiver cho rằng, ông Sunak là ứng cử viên sáng giá nhất với chương trình nghị sự về kinh tế và xã hội. “Điều quan trọng là ông ấy phải tìm cách giải quyết các vấn đề kinh tế quan trọng, mà không phải giữ chức thủ tướng trong bối cảnh các luận điệu chống Nga hà khắc và chi tiêu quân sự tăng lên". Theo chuyên gia, ông Sunak, với tư cách là một trí thức và chuyên gia của ngành tài chính, làm việc rất hiệu quả, nhưng giọng điệu của London chính thức trong giao tiếp với Matxcơva khó có thể thay đổi trong tương lai gần. Dưới thời ông Sunak, Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Nga.
Chủ tịch công ty “tư vấn truyền thông Minchenko” Evgeny Minchenko, cũng tin rằng, chính phủ Anh sẽ xem xét lại các ưu tiên của mình. Ông Sunak, một nhà kinh tế có kinh nghiệm, sẽ tập trung vào các vấn đề trong nước liên quan đến việc rời khỏi Liên minh châu Âu và đại dịch Covid-19”. Theo quan điểm của ông, tân thủ tướng Anh sẽ ít quan tâm đến các vấn đề quốc tế hơn những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, trong chính sách đối ngoại của London có đặc điểm quán tính, có mối liên hệ chặt chẽ với đường lối của Washington.
Trước đó, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, Anh cùng với EU đã áp đặt nhiều hạn chế chống Nga. Người vừa rời ghế Thủ tướng Anh Liz Truss từng tuyên bố, London sẽ áp đặt các trừng phạt, chừng nào quân đội Nga chưa rút khỏi Ukraine./.