Dư luận quốc tế lên án Mỹ trừng phạt ICC

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua các biện pháp trừng phạt mọi cá nhân của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) tham gia điều tra cáo buộc binh lính Mỹ phạm tội ác chiến tranh tại Afghanistan đã vấp phải sự phản đối gay gắt của dư luận quốc tế.

Sau quy trình pháp lý kéo dài nhiều năm, hồi tháng 3 vừa qua, ICC đã cho phép tiến hành điều tra về cuộc chiến tranh tại Afghanistan. Chính quyền Tổng thống Donald Trump lâu nay vẫn luôn phản đối điều tra quốc tế về cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ này. Nhà Trắng mới đây thông báo Tổng thống Donald Trump đã cho phép thực hiện các biện pháp trừng phạt như: Đóng băng tài sản trên đất Mỹ của mọi cá nhân từ ICC tham gia hoặc hỗ trợ hoạt động điều tra, hoặc truy tố binh lính Mỹ mà không được sự đồng thuận của Washington. Những người này cũng như thân nhân sẽ bị cấm tới Mỹ. Washington cáo buộc ICC “tấn công quyền lợi của người dân Mỹ” và “đe dọa xâm phạm chủ quyền quốc gia của chúng tôi”.

 Trụ sở ICC tại Hà Lan. Ảnh: Getty Images

Trụ sở ICC tại Hà Lan. Ảnh: Getty Images

Ngày 13-6, Sputnik dẫn một tuyên bố của Chính phủ Thụy Sĩ bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ. Chính phủ Thụy Sĩ tái khẳng định sự ủng hộ đối với ICC với tư cách là một cơ quan độc lập “điều tra những tội ác nghiêm trọng nhất và đóng góp vào an ninh, ổn định quốc tế”. “ICC chỉ có thể mở các cuộc điều tra đối với các cá nhân tại những nơi mà hệ thống tư pháp quốc gia không sẵn lòng hoặc không có khả năng thực hiện chính xác các hoạt động tố tụng. Do đó, Thụy Sĩ kêu gọi Mỹ thực hiện điều tra đầy đủ và truy tố các binh lính Mỹ có dính líu đến các tội ác như vậy”, tuyên bố nhấn mạnh.

Cùng ngày, Tân Hoa xã cho biết, trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ Berlin phản đối mọi nỗ lực gây sức ép đối với tòa án có trụ sở tại Hà Lan, đồng thời khẳng định là “một trong những quốc gia ủng hộ ICC mạnh mẽ nhất”. Berlin bày tỏ tin tưởng hoàn toàn vào công việc của ICC và cho rằng đây là tổ chức không thể thiếu trong cuộc chiến chống lại “sự miễn nhiễm với tội ác quốc tế”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng quyết định của Mỹ chính là “cuộc công kích” nhằm vào tất cả các bên tham gia Quy chế Rome về thành lập ICC. Nhấn mạnh động thái của Mỹ khiến người ta hoài nghi về vai trò độc lập của hệ thống tư pháp, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi Washington rút lại quyết định của mình.

Khẳng định các biện pháp trừng phạt của Mỹ là hành động can thiệp vào nguyên tắc thượng tôn pháp luật và các quy trình xét xử của ICC, người phát ngôn của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Rupert Colville cho rằng cần phải bảo vệ sự độc lập của ICC để ICC có thể đưa ra những quyết định khách quan mà “không bị ảnh hưởng, sức ép, đe dọa hay can thiệp, theo hình thức gián tiếp hay trực tiếp với bất cứ lý do nào”. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước quyết định của Tổng thống Donald Trump. Phát biểu trước báo giới, ông Josep Borrell nhấn mạnh ICC đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm luật pháp và quá trình thực thi luật pháp quốc tế. Vì thế, các quốc gia cần tôn trọng và ủng hộ ICC. Ông Josep Borrell cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu quyết định của Mỹ và thảo luận với ngoại trưởng các nước thành viên EU trong cuộc họp trực tuyến vào đầu tuần tới về vấn đề này.

Trong thông báo mới đưa ra, ICC cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ là những “đòn tấn công” gây căng thẳng và là “một nỗ lực không thể chấp nhận được” can thiệp vào nguyên tắc thượng tôn pháp luật cũng như các quy trình xét xử của ICC. Theo ICC, quyết định của Washington là “chưa từng có tiền lệ”, làm suy yếu nỗ lực đấu tranh bảo đảm những bên gây tội ác chiến tranh đều phải chịu trách nhiệm.

VŨ LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/du-luan-quoc-te-len-an-my-trung-phat-icc-622951