Dư luận rúng động bê bối thực phẩm chức năng giả, sao hạng A thành kẻ lừa đảo

Showbiz thế giới từng phanh phui nhiều vụ bê bối thực phẩm chức năng giả, liên đới đến nhiều ngôi sao hạng A, gây rúng động dư luận.

Nghệ sĩ thành kẻ lừa đảo

Từ vụ loạt nghệ sĩ liên quan đến quảng cáo sữa giả đến Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog và Hoa hậu Thùy Tiên lần lượt bị bắt vì kẹo rau củ Kera khiến dư luận trong nước vừa phẫn nộ vừa hoang mang vì thời buổi “vàng thau lẫn lộn”. Khủng hoảng niềm tin đang trở thành vấn đề lớn của xã hội.

Trên thực tế, thế giới từng phanh phui nhiều vụ bê bối thực phẩm chức năng giả, liên đới đến nhiều ngôi sao hạng A.

Cảnh Điềm bị phạt hơn 1 triệu USD vì quảng cáo kẹo trái cây và rau củ giả mạo.

Cảnh Điềm bị phạt hơn 1 triệu USD vì quảng cáo kẹo trái cây và rau củ giả mạo.

NutraIngredients-Asia đưa tin vào đầu năm 2022, nữ diễn viên Cảnh Điềm bị phạt 7,22 triệu nhân dân tệ (1,08 triệu USD) vì tham gia vào chiến dịch quảng cáo cho loại kẹo trái cây và rau quả mà chính quyền Trung Quốc xác định là giả mạo.

Loại kẹo này do công ty Infinite Free có trụ sở ở Quảng Châu (Trung Quốc) sản xuất, được tiếp thị là sản phẩm giảm cân có tác dụng giúp ngăn chặn cơ thể hấp thu đường, dầu và chất béo. Tuy nhiên, nhà chức trách khẳng định không có cơ sở khoa học nào cho tuyên bố trên. Theo SCMP, Infinite Free cũng bị phạt 4,64 triệu nhân dân tệ (hơn 644.000 USD).

Sau vụ việc, chính quyền Trung Quốc siết chặt quản lý các hoạt động chứng thực của người nổi tiếng. Nhà chức trách cảnh báo người nổi tiếng không nên quảng cáo và chứng thực có các sản phẩm chăm sóc sức khỏe hay thực phẩm chức năng.

Đáng nói, việc làm này vốn bị cấm ở quốc gia tỷ dân. Luật Quảng cáo năm 2015 của Trung Quốc quy định pháp luật nghiêm cấm hành vi người nổi tiếng quảng bá các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Các thương hiệu thực phẩm chức năng cũng không được phép thuê bất kỳ ai để quảng cáo cho sản phẩm của mình.

Bất chấp lệnh cấm, thực trạng nghệ sĩ, người hoạt động giải trí, người có ảnh hưởng trực tuyến… vẫn tham gia vào hoạt động trên. Chính phủ Trung Quốc coi đây là vùng xám, muốn xóa bỏ.

Vào năm 2010, ba chị em nhà Kardashian là Kim, Khỏe và Kourtney bị chỉ trích vì quảng cáo cho sản phẩm ăn kiêng QuickTrim.

Công ty luật Bursor & Fisher (New York) đại diện cho 4 khách hàng đệ đơn kiện công ty sản xuất và phân phối QuickTrim. Đơn kiện ghi rõ sản phẩm không giúp khách hàng giảm cân, cáo buộc hoạt động tiếp thị của công ty là sai sự thật, gây hiểu lầm và vô căn cứ. Số tiền đòi bồi thường lên tới 5 triệu USD.

Không dừng lại ở đó, một nghiên cứu công bố trên tạp chí The Journal of Family Practice chỉ ra sản phẩm QuickTrim gây ra nhiều tác dụng phụ, từ triệu chứng nhẹ như chuột rút đến các vấn đề nghiêm trọng như suy thận.

Mặc dù vụ kiện sau đó bị bác bỏ, khách hàng mua sản phẩm QuickTrim được hoàn lại 50% tiền hàng. Công ty cũng được lệnh phải thiết kế lại nhãn mác và bao bì để phản ánh đúng bản chất và lợi ích của sản phẩm.

Chị em Kardashian bị chỉ trích vì tiếp tay cho QuickTrim lừa dối khách hàng.

Chị em Kardashian bị chỉ trích vì tiếp tay cho QuickTrim lừa dối khách hàng.

Năm 2013, Dr. Mehmet Oz, bác sĩ phẫu thuật tim mạch kiêm người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng ở Mỹ, tự đưa mình vào rắc rối nghiêm trọng khi quảng bá sản phẩm giảm cân Garcinia Cambogia trên chương trình The Dr. Oz Show, gọi đây là “chất đốt mỡ kỳ diệu”. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học cho thấy sản phẩm này không hiệu quả trong việc giảm cân.

Bên cạnh đó, Oz cũng quảng cáo cho một số loại thực phẩm bổ sung khác như Pure Green Coffe.

Việc tâng bốc quá đà sản phẩm khiến ông bị Ủy ban Thương mại Liên bang kiện vì đưa ra những tuyên bố sai sự thật. Ông thậm chí phải điều trần trước Thượng viện Mỹ về về các vụ lừa đảo giảm cân và gian lận quảng cáo.

Trong phiên điều trần, Oz thừa nhận đã sử dụng ngôn từ “hoa mỹ” quá mức. Ông cũng cho biết các sản phẩm được quảng cáo trên chương trình của ông thường không có đủ cơ sở khoa học.

Hai vụ án chấn động Thái Lan

Vụ bê bối Magic Skin tại Thái Lan là một trong những vụ việc lớn nhất liên quan đến mỹ phẩm và thực phẩm chức năng giả, gây chấn động dư luận vào năm 2018. Vụ việc kéo theo hàng loạt người nổi tiếng bị điều tra và truy tố vì quảng cáo sai lệch cho các sản phẩm không được cấp phép, gây ảnh hưởng đến hàng ngàn người tiêu dùng.

Magic Skin là thương hiệu mỹ phẩm và thực phẩm chức năng tại Thái Lan, nổi tiếng với các sản phẩm làm trắng da, giảm cân và bổ sung vitamin. Những dòng sản phẩm của Magic Skin được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng, nhưng thực tế không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA) cấp phép và chứa thành phần không an toàn.

Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan 2016 Chalita Suansane bị triệu tập vì liên quan đến quảng cáo Magic Skin.

Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan 2016 Chalita Suansane bị triệu tập vì liên quan đến quảng cáo Magic Skin.

Theo Nation Thailand, tháng 4/2018, cảnh sát Thái Lan đột kích 13 cơ sở sản xuất và kho hàng của Magic Skin, thu giữ hàng trăm hộp sản phẩm, đồng thời bắt giữ 8 nghi phạm, bao gồm vợ chồng chủ sở hữu Wannapha và Korn Puangson.

Gần 1.000 người tiêu dùng báo cáo bị ảnh hưởng do sử dụng sản phẩm, với tổng thiệt hại ước tính khoảng 300 triệu baht (khoảng 9 triệu USD).

Hơn 50 người nổi tiếng, bao gồm diễn viên, người mẫu, hoa hậu và các "idol mạng" bị triệu tập do có liên quan đến quảng cáo Magic Skin, trong đó có Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan 2016 Chalita Suansane, DJ Puttichai “DJ Put” Kasetsin, diễn viên/người mẫu Phitchanat “May” Sakhakon...

Đa số khai nhận không biết sản phẩm là giả và bị công ty cung cấp giấy tờ FDA giả mạo.

Hậu quả, 13 người nổi tiếng bị cáo buộc vi phạm Luật Mỹ phẩm 2015 và Luật Thực phẩm 1979. Nhờ tích cực hợp tác điều tra và nhận tội, không ai trong số họ phải ngồi tù, chỉ bị phạt tiền. Người bị xử phạt nặng nhất là nam ca sĩ/diễn viên Kanokchat "Typhoon", với án tù treo một năm và phạt tiền 30.000 baht (khoảng 919 USD).

Ngoài ra, 17 người nổi tiếng khác bị phạt hành chính lên đến 5.000 baht (153 USD) mỗi người vì quảng cáo sai lệch.

Giai đoạn 2023-2024, Thái Lan vạch trần một trong những vụ lừa đảo bán hàng đa cấp lớn nhất trong lịch sử quốc gia này, với chủ mưu là công ty The iCon Group.

The iCon Group tự giới thiệu là một công ty bán hàng trực tiếp, chuyên cung cấp các sản phẩm làm đẹp và thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, thay vì bán sản phẩm như thông thường, công ty khuyến khích người tham gia mua hàng số lượng lớn và tuyển dụng thêm người khác để nhận hoa hồng, tạo thành mô hình kim tự tháp.

Nhiều người bị lôi kéo vào mô hình này thông qua các khóa học kinh doanh trực tuyến giá rẻ và hình ảnh người nổi tiếng quảng bá. Sau khi mua hàng, họ không thể bán được sản phẩm hoặc bị yêu cầu đầu tư thêm để “lấy lại vốn”.

Vụ việc gây thiệt hại ước tính lên tới hơn 2 tỷ baht (khoảng 48 triệu USD), có gần 7.000 nạn nhân nộp đơn khiếu nại.

Nhiều người nổi tiếng tham gia vào vụ việc, bao gồm nam diễn viên Chiếc lá cuốn bay Yuranunt Pamornmontri, diễn viên/người mẫu Pechaya Wattanamontree (Min) và diễn viên/MC Kan Kantathavorn. Trong đó, Kan ký hợp đồng 5 năm làm đại sứ thương hiệu, thường thúc giục khán giả tham gia iCon.

Họ bị bắt giữ vào tháng 10/2024 với cáo buộc quảng bá cho The iCon Group. Tòa án từ chối cho những nghệ sĩ này tại ngoại. Các đài truyền hình cũng chấm dứt hợp đồng với họ.

Kan Kantathavorn tổ chức họp báo xin lỗi, hủy bỏ hết lịch trình công việc và chấm dứt hợp đồng với iCon sau khi vụ lừa đảo đa cấp bị phanh phui. Ảnh: The Nation.

Kan Kantathavorn tổ chức họp báo xin lỗi, hủy bỏ hết lịch trình công việc và chấm dứt hợp đồng với iCon sau khi vụ lừa đảo đa cấp bị phanh phui. Ảnh: The Nation.

Đầu năm 2025, viện kiểm sát Thái Lan quyết định truy tố 17 bị can chủ chốt trong vụ iCon, bao gồm CEO Warathaphon “Boss Paul” Waratyaworrakul, với cáo buộc lừa đảo và nhiều tội danh khác.

Yuranunt và Min bị loại khỏi danh sách bị can, nhưng sự nghiệp xem như tiêu tan, không thể phục hồi.

Những vụ bê bối thực phẩm chức năng giả trên là lời cảnh tỉnh cho người nổi tiếng về trách nhiệm khi quảng bá sản phẩm đến công chúng. Chúng cũng cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm tra thông tin sản phẩm, đặc biệt là giấy phép và thành phần, trước khi sử dụng hoặc quảng bá.

Tú Oanh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/du-luan-rung-dong-be-boi-thuc-pham-chuc-nang-gia-sao-hang-a-thanh-ke-lua-dao-post1744447.tpo