Dự luật của Hạ viện Mỹ ảnh hưởng gì đến hoạt động khoan dầu khí?
Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật H.R. 26, 'Đạo luật Bảo vệ Khai thác Năng lượng Mỹ', nhằm cấm tổng thống 'tuyên bố lệnh cấm sử dụng phương pháp thủy lực trừ khi Quốc hội cho phép'.

Kể từ khi vận động tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ triển khai chương trình "khoan, khoan, khoan" của mình. Ảnh: Getty Images
Dự luật này sẽ ngăn chặn các chính quyền tương lai ban hành lệnh cấm phương pháp khoan trên các vùng đất liên bang, được sử dụng trong sản xuất dầu và khí thiên nhiên cũng như địa nhiệt.
Dự luật cho phép các bang quyết định về việc áp dụng phương pháp khoan này trên các vùng đất của tiểu bang và tư nhân.
Cuộc bỏ phiếu cuối cùng đạt 226-188 với đa số ủng hộ, có 19 nghị sĩ không bỏ phiếu. Không có đảng viên Cộng hòa nào bỏ phiếu chống lại dự luật và 16 đảng viên Dân chủ đã bỏ phiếu ủng hộ.
Dự luật này được khởi xướng vì lo ngại rằng một tổng thống Dân chủ trong tương lai sẽ cấm phương pháp fracking, khi Phó Tổng thống Kamala Harris đã thay đổi quan điểm về công nghệ này trong chiến dịch tranh cử năm 2024. Nó cũng đáp lại dự luật năm 2020 của Nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nhằm cấm phương pháp thủy lực.
Một dự luật khác đang được xem xét, Dự luật Hạ viện 513, "Đạo luật về Cơ quan quản lý đất đai ngoài khơi năm 2025", sẽ vô hiệu hóa một số quyết định của tổng thống về việc thu hồi các vùng đất ngoài khơi chưa có hợp đồng cho thuê và sửa đổi Đạo luật Đất Liền Ngoài Khơi (OCSLA) để thiết lập giới hạn về thẩm quyền của Tổng thống trong việc thu hồi các vùng đất ngoài khơi chưa có hợp đồng thuê. Dự luật này ra đời khi cựu Tổng thống Joe Biden ban hành một số quy định về dầu mỏ và khí đốt trong nhiệm kỳ của ông, bao gồm việc cấm khoan dầu và khí đốt trong tương lai trên 625 triệu mẫu Anh vùng biển ven bờ và ngoài khơi, chiếm hơn một phần ba thềm lục địa ngoài khơi, chỉ vài tuần trước khi ông rời nhiệm sở.
Ông Biden đã cấm khoan dầu và khí đốt mới trong các vùng nước liên bang trên bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ, vùng vịnh Mexico phía Đông (Mỹ), và một phần Biển Bering phía Bắc của Alaska. Sắc lệnh hành pháp của Biden nhằm cấm vĩnh viễn việc cho thuê dầu và khí đốt mới ở các khu vực thềm lục địa ngoài khơi (OCS) đã sử dụng một đạo luật 72 năm tuổi, Đạo luật OCSLA năm 1953, luật này đã quản lý quá trình phát triển dầu khí ngoài khơi và trao cho tổng thống quyền quyết định loại trừ các vùng nước cụ thể khỏi việc cho thuê vĩnh viễn, đó là lý do tại sao Quốc hội hiện nay cần một dự luật để hủy bỏ hoặc giảm quyền hạn đó. Ông Biden đã hạn chế việc cho thuê đất liên bang cho mục tiêu dầu khí nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào kể từ Thế chiến II, khi công nghệ khoan ngoài khơi gần như chưa tồn tại và trước khi Đạo luật OCSLA được ban hành. Các hành động của Biden phù hợp với cam kết trong chiến dịch của ông là "kết thúc kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch", điều này trái ngược với mục tiêu của Đạo luật OCSLA, nói rằng OCS là một tài nguyên quốc gia quan trọng "cần được cung cấp cho việc phát triển nhanh chóng và có trật tự".
Để thực hiện tham vọng thống trị năng lượng của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Nội vụ Doug Burgum đã ban hành các chỉ thị loại bỏ các chính sách khí hậu "ép buộc" và lệnh cấm cho thuê dầu mỏ được thực hiện dưới chính quyền Biden, đồng thời khởi xướng các cuộc điều tra nội bộ về hành động của các cơ quan đã "gây cản trở" sự phát triển năng lượng. Ví dụ, Burgum đã hủy bỏ một lệnh được ban hành vào năm 2021 nhằm cấm hoạt động dầu khí tại Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Arctic, và ông đã tái khôi phục một chỉ thị từ chính quyền Trump, yêu cầu viết lại kế hoạch quản lý đất đai và năng lượng cho Khu Dự trữ Dầu khí Quốc gia có diện tích tương đương bang Indiana ở Alaska. Chính quyền Biden đã thực hiện nhiều hành động hạn chế phát triển dầu mỏ trên các khu vực rộng lớn trong Khu Dự trữ Dầu khí.
Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright cũng đã ban hành các chỉ thị thực hiện lệnh của Tổng thống Trump cho mục tiêu thống trị năng lượng, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm giá hàng hóa và dịch vụ. Wright đã ưu tiên mở rộng khai thác năng lượng thay vì theo đuổi các chính sách khí hậu net-zero của Biden và nói rằng: “Các chính sách net-zero làm tăng chi phí năng lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ, đe dọa độ tin cậy của hệ thống năng lượng và làm suy yếu an ninh năng lượng quốc gia”. Châu Âu đã theo đuổi các chính sách net-zero, dẫn đến những hậu quả thảm hại đối với năng lượng giá rẻ, đi kèm với quá trình phi công nghiệp hóa lan rộng khắp lục địa.