Dự luật Địa chất và Khoáng sản đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét
Đó là khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, diễn ra ngày 17/4, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Việc xây dựng, ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản phải đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà nước ta là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành; góp phần bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra dự án luật theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã khảo sát tại một số địa phương; tổ chức hội thảo quốc tế, tọa đàm chuyên gia và nghiên cứu về dự án luật.
Ngày 17/4, Thường trực Ủy ban tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án luật này dự kiến vào ngày 23/4 tới.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nhiều chính sách quan trọng vẫn còn nguyên giá trị và được tiếp tục kế thừa.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Luật Khoáng sản chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; đặc biệt chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu.
Đồng thời, thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp (thủ tục của mỏ đất san lấp phải thực hiện như một mỏ vàng). Ngoài ra, việc thu tiền cấp quyền theo trữ lượng khoáng sản được cấp phép là chưa phù hợp.
Phát biểu bế mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết Ủy ban thống nhất ý kiến về việc dự án luật đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét theo quy định hiện hành.