Lệ Giang được xây dựng vào cuối thời nhà Tống, đầu nhà Nguyên, là một trong những trung tâm giao thương nông sản lớn và quan trọng ở vùng Vân Nam với Tây Tạng, Miến Điện. Lệ Giang cũng là điểm trung chuyển trong tuyến đường “Trà mã cổ đạo” nổi tiếng với những câu chuyện tình nghìn năm tuổi.
Toàn thành phố Lệ Giang có tổng cộng 3 cổ trấn gồm: Đại Nghiên (Lệ Giang), Thúc Hà và Bạch Sa. Đến đây, du khách như lạc giữa một thế giới khác hoàn toàn, phong cảnh như tranh. Dọc các con phố đâu đâu cũng được trang trí bằng các loại hoa đủ màu sắc khác nhau vô cùng lãng mạn. Chính cái đẹp kỳ diệu của Lệ Giang cũng khiến nỗi buồn con người bỗng trở nên thật đẹp, bạn sẽ thôi cô đơn và than vãn về những phàm tục chốn nhân gian.
Trong cổ trấn, du khách cũng dễ dàng nhận thấy những tinh hoa kiến trúc của người Hán, Tạng, Nạp Tây như Mộc Phủ, Vạn Cổ lầu, Khoa Cống Phường…Trải qua gần 1.000 năm, tất cả đã hòa quyện lại với nhau tạo thành một quần thể vô cùng độc đáo, ít trấn cổ nào có được.
Lệ Giang cũng là phố cổ duy nhất được xây dựng mà không có tường thành và sở hữu bố cục không gian độc đáo với hệ thống nước được bố trí khắp cổ trấn.
Khu vực cổ thành cũng rất nổi tiếng với những cây cầu cong cong bắc qua những cong rạch nước trong vắt, mát lành. Có tổng cộng tới 354 cây cầu được xây dựng vào thời nhà Minh và nhà Thanh, trong số đó, cầu Đại Thạch nằm cách phố Tứ Phường 100 mét về phía Đông là đặc biệt nhất.
Buổi tối, Lệ Giang được khoác lên mình một tấm áo lộng lẫy khác của ánh đèn, của âm nhạc vô cùng nhộn nhịp. Du khách có thể tự do lựa chọn đi bộ mua sắm dọc các con phố, ngồi thưởng trà ngắm cảnh hoặc tham gia vào các bữa tiệc sôi động tại các quán bar, pub dọc con kênh chính của trấn cổ. Quảng trường Tứ Phương là nơi tập trung đông đảo nhất người tham quan.
Nếu trấn cổ đem lại cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu như bản nhạc violin không lời thì núi tuyết Ngọc Long lại hát lên ca khúc của thiên nhiên hùng vĩ. Đây là một trong những ngọn núi cao nhất thế giới với độ cao trên 5.000m, đỉnh cao nhất là Phiến Tử Đẩu cao 5.596m quanh năm tuyết phủ.
Tương truyền, tên Ngọc Long bắt nguồn từ 13 đỉnh núi tuyết trải dài vô tận như một con “rồng trắng” bay lượn trên những đám mây. Núi Ngọc Long không những có ý nghĩa vô cùng linh thiêng với người dân Nạp Tây bởi nó là biểu tượng cho sự sống và sức mạnh của tộc người này mà còn là điểm thu hút khách du lịch bậc nhất Lệ Giang.
Dưới thung lũng Ngọc Long là thảm thực vật vô cùng phong phú, nào là tùng, bách, vân san… Đặc biệt, hoa đỗ quyên kiêu sa rực rỡ cũng đua nhau trổ bông ở dãy núi này, nhìn từ xa như những đốm lửa lập lòe trên nền tuyết trắng vậy.
Mỗi mùa trong năm, núi tuyết Ngọc Long lại mang đến một cảnh quan đặc trưng, tạo nên nét đẹp tự nhiên vô cùng hùng vĩ cũng không kém phần nên thơ. Thường mọi người nên đi khám phá Ngọc Long vào tầm tháng 4 - tháng 7 vì lúc này tuyết không còn quá dày và trời xanh ngắt rất đẹp.
Khi những băng tuyết trên đỉnh Ngọc Long tan chảy, chúng tạo thành dòng nước trong vắt chảy xuống dưới, đọng lại thành từng ao, đầm, hồ vô cùng đẹp mắt, trong số đó chính là Hắc Long Đàm (đầm Rồng Đen).
Đây là một hồ nước rộng 40.000 mét vuông, được bao bọc bởi những ngọn núi hùng vĩ, hàng liễu duyên dáng và những vườn hoa rực rỡ. Hắc Long Đàm mang đậm kiến trúc biểu tượng của Trung Hoa, dễ khiến du khách liên tưởng đến bộ phim Hồng Lâu Mộng, một tuyệt tác kinh điển xuất sắc nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc.
Hắc Long Đàm được xây dựng từ thời nhà Thanh ban đầu là miếu thờ thần Long Vương, sau được mở rộng thành công viên cho chính quyền phong kiến ngao du thưởng ngoạn. Chính vậy trong khuôn viên còn lưu giữ rất nhiều những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Minh – Thanh độc đáo. Đây là địa điểm luôn được nhiều du khách chụp ảnh "check-in".
Hắc Long Đàm nổi tiếng nhất là cảnh núi tuyết Ngọc Long đổ bóng xuống hồ, nếu đi vào những ngày mùa thu, cây lá đổi màu, tuyết phủ trắng núi rừng, khung cảnh còn hữu tình gấp nhiều lần. Công viên cũng cách không xa cổ trấn, du khách có thể đi bộ khoảng hơn 1km là đến nơi, giá vé vào cửa là 60 tệ là tha hồ ngắm cảnh, chụp ảnh nơi cất giấu vẻ đẹp của một nền văn hóa.
CTV Nguyễn Huy Tùng/VOV.VN