Dư nợ công nghiệp xanh và công trình xây dựng xanh đạt khoảng 25.000 tỷ đồng

Dư nợ công nghiệp xanh và công trình xây dựng xanh đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,7% tổng dư nợ tín dụng xanh. Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn với chủ đề: 'Kết nối tín dụng xanh - Khu công nghiệp xanh' tại Đà Nẵng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Để hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp xanh, ngoài nỗ lực của ngành ngân hàng, cần sự chung tay của rất nhiều bên liên quan. Ảnh: NHNN

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Để hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp xanh, ngoài nỗ lực của ngành ngân hàng, cần sự chung tay của rất nhiều bên liên quan. Ảnh: NHNN

Đến 31/3/2025, tín dụng xanh tăng 3,57% so với cuối năm 2024

Tại Diễn đàn, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Với nhiều nỗ lực, kết quả hoạt động tín dụng xanh của ngành đã có sự tăng trưởng cả về quy mô và tốc độ, đóng góp tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế.

Đến ngày 31/3/2025, đã có 58 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; trong đó, dư nợ công nghiệp xanh và công trình xây dựng xanh đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,7% tổng dư nợ tín dụng xanh.

Diễn đàn: "Kết nối tín dụng xanh - Khu công nghiệp xanh" do Thời báo Ngân hàng tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: NHNN

Diễn đàn: "Kết nối tín dụng xanh - Khu công nghiệp xanh" do Thời báo Ngân hàng tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: NHNN

Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - bà Hà Thu Giang - cho biết thêm, những năm qua, NHNN ban hành hàng loạt chính sách, văn bản hướng dẫn nhằm khuyến khích TCTD triển khai tín dụng xanh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để xây dựng danh mục 12 lĩnh vực xanh ưu tiên.

Năm 2024, một điểm nhấn là NHNN phối hợp với các bộ, ngành triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, NHNN tích cực tham gia các diễn đàn tài chính quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, huy động nguồn lực, thúc đẩy tín dụng xanh và nâng cao vị thế Việt Nam trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng toàn cầu.

Riêng trên địa bàn khu vực 9, Giám đốc NHNN khu vực 9 Lê Anh Xuân cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt từ NHNN, các chi nhánh TCTD trên địa bàn đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm tín dụng xanh.

Tính đến cuối tháng 3/2025, đã có 30 chi nhánh TCTD trên địa bàn Khu vực 9 phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt khoảng 10.482 tỷ đồng, chiếm gần 2% tổng dư nợ, trong đó tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 35,51%).

Dư nợ tín dụng xanh của Quảng Nam chiếm 60% tổng dư nợ tín dụng xanh toàn khu vực. Lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn bình quân dao động từ 4 - 7%/năm, trung và dài hạn từ 9 - 11%/năm. Đặc biệt, đối với một số lĩnh vực ưu tiên, các gói tín dụng ưu đãi được áp dụng mức lãi suất dưới 4%/năm.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng đã tích cực thực hiện đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, ứng dụng chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá của NHNN, tín dụng xanh vẫn gặp nhiều thách thức như: thiếu danh mục phân loại xanh quốc gia, khung đánh giá khu công nghiệp xanh, hạn chế nhận thức và năng lực kỹ thuật của doanh nghiệp lẫn ngân hàng, cùng với sức ép từ các tiêu chuẩn quốc tế như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu công nghiệp còn đối mặt với khó khăn, e ngại chuyển đổi do thủ tục phức tạp và chi phí cao...

Cần sự chung tay của nhiều bên liên quan

Phó Thống đốc khẳng định ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng với quá trình chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp, hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế chuyển sang mô hình kinh tế xanh, phát thải thấp, thể hiện trách nhiệm của ngành ngân hàng trong tiến trình tăng trưởng xanh của quốc gia. Để thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tại Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia của ngành ngân hàng, Đề án phát triển ngân hàng xanh.

Trong đó, ưu tiên một số giải pháp trọng tâm như, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tín dụng, trong đó có tín dụng xanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn để thực hiện các dự án xanh, bảo vệ môi trường; hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh huy động nguồn lực; tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý, tăng dần tỷ trọng vốn tín dụng cho các dự án xanh, mang lại lợi ích môi trường…

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, để hỗ trợ tín dụng xanh phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong vấn đề phát triển các khu công nghiệp xanh, ngoài nỗ lực của ngành ngân hàng, cần sự chung tay của rất nhiều bên liên quan. Đồng thời, triển khai và tuyên truyền sâu rộng đến các doanh nghiệp để nâng cao nhận thức về giá trị và lợi ích của việc chuyển đổi xanh, xây dựng doanh nghiệp bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý môi trường và dòng vốn; tăng cường hợp tác công - tư để đồng hành trong phát triển bền vững.

Về phía các doanh nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp xanh cũng cần minh bạch các tiêu chí môi trường; xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực lập hồ sơ, dự án đáp ứng tiêu chí tín dụng xanh và phối hợp, liên kết hiệu quả với các đơn vị tư vấn, ngân hàng và nhà đầu tư./.

THÀNH ĐỨC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/du-no-cong-nghiep-xanh-va-cong-trinh-xay-dung-xanh-dat-khoang-25-000-ty-dong-40156.html