Dư nợ lĩnh vực công nghiệp - xây dựng của Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh
Theo tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hà Tĩnh, dư nợ tín dụng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đến ngày 15/7/2023 tăng khoảng 16,25% so với thời điểm cuối năm 2022.
Những tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng.
Theo đó, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; đơn giản hóa thủ tục cho vay; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh cũng chú trọng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Trong cơ cấu tín dụng sản xuất, kinh doanh, dư nợ lĩnh vực công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 22,48%/tổng dư nợ toàn địa bàn. Cụ thể, đến ngày 15/7/2023, dư nợ lĩnh vực công nghiệp – xây dựng của các TCTD đạt khoảng 20.524 tỷ đồng, tăng khoảng 16,25% so với thời điểm cuối năm 2022.
Tín dụng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua là do các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn vào cao điểm triển khai thi công, đẩy nhanh tiến độ. Nhiều dự án trọng điểm của cả nước, tỉnh đang cùng lúc triển khai như: dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua Hà Tĩnh; các dự án hạ tầng trong tỉnh...
Cùng với đó, các doanh nghiệp đang có nhiều dấu hiệu phục hồi tốt sau COVID-19, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh... Điều này đã tác động tích cực đến thị trường tín dụng trên địa bàn.
Từ đầu năm lại nay, NHNN Việt Nam đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất, trong đó giảm 0,5-1,25%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VNĐ kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 1,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Với việc chấp hành nghiêm túc các quy định về điều hành lãi suất trên của Thống đốc NHNN Việt Nam, trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng các TCTD cạnh tranh không lành mạnh, vượt trần.
Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn đã triển khai nhiều giải pháp để giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Theo đó, lãi suất cho vay VNĐ ngắn hạn phổ biến từ 4-10%/năm; trung, dài hạn phổ biến từ 9,5-13%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 3,7-4,5%/năm; trung, dài hạn phổ biến mức 6-6,1%/năm.