Dư nợ ngành Ngân hàng Hà Tĩnh ước đạt 93.200 tỷ đồng
Dư nợ ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đến 30/6 ước đạt 93.200 tỷ đồng, tăng 6,88% so với cuối năm 2022. Điều này cho thấy, những tháng đầu năm, sức hấp thụ vốn trên địa bàn tiếp tục khả quan trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Năm 2023, tiến trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 của nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường; xung đột Nga - Ukraine chưa được giải quyết, lạm phát cao kỷ lục tại nhiều quốc gia… Trước bối cảnh đó, các nước lớn thực hiện điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt, áp dụng mọi biện pháp để bảo đảm an ninh năng lượng…, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại áp dụng chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt trên cơ sở hỗ trợ nền kinh tế.
Từ đầu năm đến nay, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đã thực hiện các gói vay hỗ trợ khách hàng phục vụ nhu cầu đời sống, đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh - doanh với lãi suất vay ngắn hạn ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm, thời hạn cho vay 12 tháng. Tính đến ngày 22/6/2023, đã có 303 khách hàng được hưởng lãi suất theo gói cho vay ưu đãi với dư nợ 166 tỷ đồng tại chi nhánh này. Cùng đó, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với kỳ hạn trung, dài hạn nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay vốn vượt qua khó khăn.
Ông Võ Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cho biết: “Với những cách làm quyết liệt, hiệu quả, tổng dư nợ của đơn vị đến cuối tháng 6/2023 ước đạt 13.005 tỷ đồng, tăng 564 tỷ đồng so với đầu năm (tốc độ tăng trưởng 4,53%)”.
Cũng theo ông Võ Mạnh Tuấn, xác định tăng trưởng tín dụng là giải pháp trọng tâm, từ nay đến cuối năm, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II tiếp tục các chính sách áp dụng lãi suất phù hợp để duy trì khách hàng truyền thống; chủ động và nâng cao hiệu quả cạnh tranh trên địa bàn nhằm tăng quy mô, giữ vững thị phần ổn định. Bên cạnh đó, chi nhánh tăng cường mối quan hệ với các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương… để tiếp cận cho vay các dự án, mô hình kinh tế, chương trình cho vay tín dụng xanh; triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình, chính sách ưu đãi của Chính phủ, của Agribank Việt Nam...
Tại VietinBank Hà Tĩnh, nửa đầu năm 2023, chi nhánh này là 1 trong những đơn vị có sự tăng trưởng tốt nhất về tín dụng với tổng dư nợ trên địa bàn toàn tỉnh đến ngày 30/6/2023 ước đạt gần 12.000 tỷ đồng.
Vietcombank, BIDV và một số ngân hàng khối thương cổ phần khác như: HD Bank, Á Châu... cũng có mức tăng trưởng khá so với đầu năm.
Dư nợ tín dụng tăng trưởng tích cực cho thấy sự phục hồi, phát triển của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 cũng như sức hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã được cải thiện.
Bà Đinh Thị Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Thủy Châu (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Doanh nghiệp chuyên kinh doanh, phân phối mặt hàng bánh kẹo, bia, rượu, nước giải khát, đồ gia dụng...với quy mô lớn. Bằng nhiều giải pháp trong tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường cùng sự hỗ trợ về vốn vay của ngân hàng đã giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư. Nhờ vậy, doanh thu của công ty những tháng đầu năm tăng trưởng khá”.
Theo ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc NHNN tỉnh Hà Tĩnh, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trong điều hành và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, tính đến ngày 30/6/2023, tổng dư nợ ước đạt 93.200 tỷ đồng, tăng 6,88% so với cuối năm 2022, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước (tín dụng cả nước tăng 3,36% so với cuối năm 2022). Đây là nỗ lực của ngành ngân hàng Hà Tĩnh trong việc đáp ứng nhu cầu vốn trên địa bàn, góp phần phục hồi và kinh tế - xã hội trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.