Dư nợ thẻ tín dụng là gì?
Bên cạnh lãi suất và cách sử dụng thẻ tín dụng, khái niệm dư nợ thẻ tín dụng cũng được nhiều khách hàng quan tâm.
Dư nợ thẻ tín dụng là gì?
Bản chất của thẻ tín dụng là chi trước trả sau, ngân hàng sẽ cấp một số tiền trong hạn mức của thẻ cho khách hàng dùng trước và phải trả lại vào hạn thanh toán hàng tháng.
Do đó, có thể hiểu số tiền chi tiêu bằng thẻ, lãi suất và phí (nếu có) là số dư nợ thẻ tín dụng mà chủ thẻ phải trả cho ngân hàng.
Khái niệm liên quan đến dư nợ thẻ tín dụng
- Dư nợ cuối kỳ thẻ tín dụng: Đây là số tiền khách hàng đã chi tiêu bằng thẻ tính đến thời điểm của kỳ sao kê đó. Chủ thẻ có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền này trong thời gian được quy định. Sau khi hoàn trả toàn bộ số tiền đúng hạn, dư nợ cuối kỳ sẽ bằng 0.
- Dư nợ khả dụng của thẻ tín dụng: Đây là số tiền còn lại mà khách hàng được phép sử dụng để thanh toán chi tiêu hoặc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.
- Số dư tạm tính của thẻ tín dụng: Đây là số tiền cần thanh toán được tạm tính khi kỳ sao kê thẻ tín dụng trùng với các ngày nghỉ lễ, Tết. Mục đích của việc tạm tính này là giúp khách hàng có kế hoạch thanh toán sớm, giảm khả năng phát sinh nợ quá hạn và phải chịu thêm các khoản phí phạt không mong muốn.
Phân loại dư nợ thẻ tín dụng
Theo quy định của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), dư nợ thẻ tín dụng được phân thành 5 nhóm sau:
Nhóm 1: Dư nợ đủ tiêu chuẩn
Dư nợ đủ tiêu chuẩn bao gồm các khoản nợ có khả năng thu hồi đúng hạn (cả gốc và lãi). Các khoản nợ còn trong thời hạn và khoản nợ quá hạn nhưng còn dưới 10 ngày vẫn được xếp vào nhóm này.
Nhóm 2: Dư nợ cần chú ý
Bao gồm các khoản nợ quá hạn từ 10 ngày đến dưới 30 ngày, những khoản nợ cần phải cơ cấu lại thời gian trả nợ lần đầu tiên.
Nhóm 3: Dư nợ dưới tiêu chuẩn
Bao gồm các khoản nợ quá hạn từ 30 - 90 ngày, những khoản nợ cần được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ và đã được cơ cấu lại lần đầu; các khoản nợ được xét miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng tài chính để chi trả theo hợp đồng tín dụng ban đầu.
Nhóm 4: Nhóm dư nợ có nghi ngờ
Bao gồm các khoản nợ quá hạn từ 90 ngày đến dưới 180 ngày, các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu, các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai.
Nhóm 5: Nhóm dư nợ có nguy cơ mất vốn
Bao gồm các khoản nợ có thời gian quá hạn từ trên 180 ngày; những khoản nợ cần được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn trên 90 ngày theo thời hạn trả nợ và đã được cơ cấu lại lần đầu; khoản nợ cần xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai mà vẫn quá hạn; khoản nợ cần xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở đi.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/du-no-the-tin-dung-la-gi-ar886714.html