Dư nợ thương mại - dịch vụ ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đạt hơn 62.600 tỷ đồng
Dư nợ lĩnh vực thương mại – dịch vụ của các tổ chức tín dụng tại Hà Tĩnh hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất với trên 64%/tổng dư nợ toàn địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh đã linh hoạt triển khai các chính sách tín dụng, chủ động giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại đã tạo điều kiện tiếp vốn cho các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, trong đó có lĩnh vực thương mại – dịch vụ.
Theo ghi nhận, không chỉ 4 ngân hàng có vốn Nhà nước (Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank) mà khối ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn cũng ưu tiên tiếp vốn cho lĩnh vực thương mại – dịch vụ, đảm bảo hoạt động tín dụng diễn ra an toàn và hiệu quả.
Theo đó, các ngân hàng thương mại tại Hà Tĩnh đã điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ cho vay... Các "nhà băng" cũng tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ để đề xuất các giải pháp gỡ khó, tạo điều kiện cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng.
Theo đó, dư nợ lĩnh vực thương mại - dịch vụ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn hiện đã chiếm tỷ trọng lớn nhất. Số liệu từ NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, tính đến đầu tháng 6/2024, dư nợ lĩnh vực thương mại – dịch vụ của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đạt hơn 62.620 tỷ đồng, tăng hơn 4,29% so với thời điểm cuối năm 2023 và chiếm trên 64% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó, có các giải pháp ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực thương mại – dịch vụ, tiếp thêm nguồn lực để các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất – kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.