Dự phòng đột quỵ do rung nhĩ
Rung nhĩ là một trong các rối loạn nhịp tim phổ biến nhất hiện nay. Số lượng người mắc rung nhĩ có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây trên toàn thế giới. Năm 2016, trên thế giới ghi nhận 46,3 triệu người mắc rung nhĩ. Dự đoán đến năm 2050, số lượng người mắc rung nhĩ tiếp tục gia tăng thêm khoảng 23%, riêng tại Châu Á dự đoán có ít nhất 72 triệu người bị rung nhĩ và có 3 triệu người đột quỵ do rung nhĩ vào năm 2050.
Rung nhĩ có tỷ lệ mắc tăng lên theo tuổi: Khoảng 1% các trường hợp rung nhĩ xảy ra ở các người bệnh dưới 60 tuổi trong khi đó có đến 12% ở tuổi từ 75 - 84 và thậm chí tới hơn 1/3 số người bệnh từ 80 tuổi trở lên có rung nhĩ. Hậu quả của rung nhĩ rất nặng nề, nó không chỉ ảnh hưởng tới bệnh tật, tử vong mà còn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh, trong đó biến chứng đáng sợ nhất của rung nhĩ là đột quỵ dạng thiếu máu não cục bộ (nhồi máu não) có thể gây ra tử vong nếu không chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Trung bình hằng năm Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mới mắc, 11.000 người tử vong. Tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung bình mỗi năm điều trị cho hàng trăm trường hợp đột quỵ, các trường hợp mắc có xu hướng ngày càng trẻ hóa, trong đó nhiều trường hợp có tiền sử rung nhĩ.
Theo BSCKII. Bùi Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ở người bệnh rung nhĩ với nguy cơ đột quỵ trung bình hoặc cao, thuốc kháng đông là biện pháp điều trị quan trọng để giảm tỷ lệ đột quỵ, việc tự ý ngưng đột ngột thuốc kháng đông đường uống có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Quá trình đông máu trong cơ thể vốn đang bị ức chế bởi thuốc kháng đông có thể sẽ tăng đông máu nhiều hơn ngay lập tức khi ngưng đột ngột thuốc kháng đông.
Ngoài ra, khi không còn dùng thuốc kháng đông, tình trạng rối loạn co bóp ở tâm nhĩ của tim dễ dẫn đến hình thành cục máu đông ở buồng nhĩ, cục máu đông này có thể trôi theo dòng máu làm tắc các động mạch ở não gây ra đột quỵ, thuyên tắc các động mạch ngoại biên và có thể tử vong, như 2 ca bệnh chúng tôi vừa tiếp nhận, người bệnh nam 64 tuổi và 79 tuổi, có tiền sử rung nhĩ được bác sĩ chuyên khoa tim mạch kê đơn thuốc chống đông nhưng uống thuốc/bỏ thuốc chống đông không theo hướng dẫn của bác sĩ vì thấy mệt, đã dẫn tới tắc mạch máu não, may mắn được can thiệp mạch máu não lấy huyết khối vì đến viện trong “Giờ vàng”.
Mặc dù đã qua cơn nguy kịch tuy nhiên người bệnh vẫn còn nhiều khiếm khuyết về vận động và cần tiếp tục điều trị tích cực, hy vọng trong thời gian tới sẽ có cải thiện hơn để trở về với cuộc sống bình thường.
Thuốc chống đông máu có tác dụng ngăn chặn sự hình thành huyết khối. Thuốc được chỉ định trong phòng ngừa và điều trị các bệnh lý như đột quỵ rung tâm nhĩ, huyết khối tĩnh mạch sâu, tắc mạch phổi..., Tuy nhiên, các thuốc chống đông máu đều là những thuốc kê đơn, người bệnh không được tự ý sử dụng mà phải được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa. Khi đã được bác sĩ điều trị kê đơn thuốc chống đông, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị, không tự ý dừng thuốc chống đông, tăng hay giảm liều thuốc, bởi tự ý bỏ không uống thuốc có thể dẫn đến hiện tượng hình thành cục máu đông và gây tắc mạch toàn thân.
Cũng theo BSCKII. Bùi Thị Thu Hà, đối với người bệnh được chỉ định uống thuốc chống đông kháng vitamin K (như thuốc Sintrom, acenocoumarol), chế độ ăn rau xanh cần cân bằng giữa các bữa, tránh ăn quá nhiều rau có lá xanh, rau họ đậu, rau họ cải (rau diếp, hành lá, rau dền, đậu nành, cải xoong, củ cải,...) vì các loại rau này có chứa nhiều vitamin K sẽ làm giảm tác dụng của thuốc chống đông kháng vitamin K, không nên uống trà xanh, rượu; đối với thuốc chống đông có tương tác với một số loại thuốc như aspirin, acetaminophen, thuốc chống nấm, thuốc chống rối loạn nhịp, những loại thuốc này có thể làm giảm hoặc tăng tác dụng của thuốc chống đông, do vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, chúng ta cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh nên tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên mỗi ngày ít nhất 30 phút như đi bộ, đạp xe, bơi...
Để phòng ngừa đột quỵ, người bệnh rung nhĩ nên có chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế hấp thu các thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, giảm lượng muối, ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh và các hạt ngũ cốc; tập thể dục thể thao hằng ngày, tăng cường thể chất thực sự mang lại hiệu quả đáng kể, đặc biệt đối với người bệnh có yếu tố nguy cơ từ các bệnh lý tim mạch khác kèm theo, không nên tập các môn thể dục có khả năng va đập sẽ tăng nguy cơ chảy máu; bỏ thuốc lá, bỏ rượu bia và các chất kích thích khác gây hại đến tim mạch nói riêng và toàn cơ thể nói chung; nếu người bệnh có các bệnh lý tim mạch đi kèm cần uống thuốc đều đặn, kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp và mức cholesterol trong máu, đồng thời cần theo dõi, khám sức khỏe định kỳ để có thể tầm soát sớm cũng như điều trị kịp thời.
Dự phòng đột quỵ não là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu khi quản lý một người bệnh rung nhĩ. Người bệnh cần tuân thủ chế độ thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng tắc mạch. Khi bạn, người thân có những dấu hiệu bất thường nghi ngờ đột quỵ: Nói khó, chóng mặt, đột ngột mất ý thức, vận động... cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế có chuyên khoa đột quỵ để được xử trí kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra, hoặc liên hệ Hotline 0210 6552288 của Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh để được tư vấn và trợ giúp tốt nhất.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/du-phong-dot-quy-do-rung-nhi-215963.htm