DỰ THẢO BỘ QUY TẮC PHÒNG, CHỐNG QUẤY RỐI TÌNH DỤC TẠI NƠI LÀM VIỆC: Càng chi tiết càng dễ nhận diện
Nhiều chuyên gia cho rằng việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc là cần thiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi có thể xảy ra
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoàn thiện Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng chống quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc. Dự thảo được bổ sung, cập nhật dựa trên Bộ Quy tắc ứng xử về phòng chống QRTD tại nơi làm việc được ban hành năm 2015.
Thế nào là quấy rối tình dục?
Trong dự thảo, bộ quy tắc định nghĩa về QRTD tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Có 3 hình thức QRTD tại nơi làm việc gồm: Quấy rối mang tính thể chất, bằng lời nói, ngôn ngữ cơ thể.
Trong đó, quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất gồm: hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý như cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hôn; tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm. QRTD bằng lời nói gồm: trực tiếp, qua điện thoại, phương tiện điện tử có nội dung tính dục hoặc ngụ ý tình dục; bằng những ngụ ý về tính dục như truyện cười gợi ý về tình dục, những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt hoặc hướng tới họ; những lời đề nghị, yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục.
QRTD phi lời nói gồm: ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan hoạt động tình dục trực tiếp, qua phương tiện điện tử như nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, cử chỉ ngón tay... Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, các tin nhắn liên quan tới tình dục.
Các hành vi không được xem là quấy rối tại nơi làm việc gồm: Những lời khen hoặc khích lệ thông thường được chấp nhận, hoặc phù hợp về văn hóa, đạo đức xã hội. Hành vi giao cấu đồng thuận (trừ hành vi cấm giao cấu với trẻ em), được bên kia tiếp nhận hay đáp ứng lại không được coi là QRTD nhưng có thể là hành vi vi phạm kỷ luật lao động nếu được quy định trong nội quy lao động của doanh nghiệp. Bộ quy tắc được khuyến nghị áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động bất kể quy mô.
Theo bà Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, việc xây dựng quy tắc ứng xử nói chung trong các cơ quan, tổ chức là hết sức cần thiết, trong đó có quy tắc để phòng chống QRTD. Nếu không có quy tắc, quy định để làm cơ sở cho việc xem xét xử lý đối với những trường hợp có hành vi QRTD thì rất khó thực hiện.
"Việc xây dựng quy tắc phải phù hợp, đầy đủ hành vi và đối tượng. Ví dụ, chỉ có đối tượng khác giới hay có cả đồng giới, nếu có thì quy tắc đã điều chỉnh đến chưa? Và những hành vi nào thực sự là QRTD. Còn nếu chỉ nhìn nhau, nháy mắt liên tục để tạo không khí vui vẻ trong cơ quan, đơn vị mà không có động cơ QRTD thì quy định thế nào cho phù hợp" - bà Đỗ Thị Lan đặt vấn đề.
Thay đổi nhận thức và hành động
Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử phòng chống QRTD tại nơi làm việc là cần thiết.
Theo ông Cường, ở nhiều quốc gia trên thế giới, những khái niệm "QRTD", "tấn công tình dục", "xâm hại tình dục"... được quy định rất rõ ràng, dễ nhận diện, phân biệt. Những khái niệm này không chỉ được sử dụng trong lĩnh vực xã hội học, tâm lý học, luật học mà còn được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khoa học, trong các lĩnh vực pháp luật và tương ứng là những quy định và chế tài cụ thể.
Còn tại Việt Nam, khái niệm "QRTD" chưa được nhiều văn bản quy phạm pháp luật đề cập. Chỉ có 2 lĩnh vực lao động và xử phạt hành chính trong an ninh trật tự là có nhắc đến khái niệm này. Khái niệm thế nào là "QRTD" trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa đầy đủ, rõ ràng nên việc nhận thức làm cơ sở để áp dụng các chế tài pháp luật như xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc hoàn thiện các khái niệm liên quan đến xâm hại tình dục là cần thiết.
"Khi pháp luật đã có những quy định cụ thể thì cũng cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử để khái quát các quy chuẩn pháp luật trở thành chuẩn mực đạo đức xã hội; làm cơ sở để thay đổi nhận thức và hành động của nhiều người, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi xâm hại tình dục có thể xảy ra" - luật sư Cường nhấn mạnh.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), cho biết việc đưa ra các định nghĩa về QRTD càng chi tiết càng dễ nhận diện, dễ xử lý khi có vấn đề xảy ra. Quy định càng chi tiết càng chứng tỏ những người làm luật muốn luật thực sự là công cụ hiệu quả để phòng ngừa và xử lý những hành vi sai trái.
"Mấy năm trước, vụ một cán bộ nữ bị một cán bộ nam tấn công tình dục ngay tại công sở mà cơ quan chức năng lúng túng không biết xử lý thế nào, vì không có cơ sở pháp lý để giải quyết" - TS Khuất Thu Hồng nói. Chuyên gia này cho rằng phụ nữ bình thường chắc chắn sẽ phân biệt được cái nhìn thân thiện, ngưỡng mộ với cái nhìn ẩn ý tình dục. Còn đàn ông, ai không "nóng mặt" khi thấy một gã cứ nhìn chăm chăm vào ngực vợ hoặc người yêu của mình. Vì vậy, nếu muốn phụ nữ an toàn, được tôn trọng thì nên ủng hộ việc ban hành các quy định điều chỉnh hành vi như bộ quy tắc ứng xử này.
Loại bỏ hành vi quấy rối
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Luật Lao động năm 2019 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành đã có các quy định về phòng chống QRTD tại nơi làm việc. Bộ quy tắc này sẽ góp phần tăng tính hiệu quả của các quy định pháp luật và thúc đẩy việc phòng chống QRTD; làm thay đổi thái độ, nhận thức của các bên liên quan và từng bước tiến tới loại bỏ hành vi này nhằm xây dựng môi trường lao động an toàn, hiệu quả làm việc cho người lao động.