Dự thảo Đề án đổi tên Cung Thể thao tỉnh Nam Định
Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;
Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ;
Để đảm bảo đúng quy trình đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng, Báo Nam Định đăng tải dự thảo Đề án đổi tên Cung Thể thao tỉnh Nam Định (Có dự thảo Đề án kèm theo) của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
ĐỀ ÁN
ĐỔI TÊN CUNG THỂ THAO TỈNH NAM ĐỊNH
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH VÀ SỰ CẦN THIẾT LẬP ĐỀ ÁN
1. Đặc điểm tình hình
Cung thể thao tỉnh Nam Định, một công trình trọng điểm về thể dục thể thao của tỉnh. Đây là một công trình đạt chuẩn quốc tế, gồm nhà thi đấu đa năng và bể bơi có mái che. Nhà thi đấu đa năng có sức chứa 4.000 người, diện tích 7.931m2 nằm trên quốc lộ 10 phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Công trình với kết cấu không gian thoáng đạt, chiều cao thông thủy tới 18m, chiều cao đỉnh mái 32,29m và sử dụng giàn mái không gian vượt nhịp lớn. Bể bơi có mái che với sức chứa 1.000 chỗ ngồi, là công trình với các trang thiết bị được nhập khẩu từ Tây Ban Nha, gồm hai bể hiện đại, có hệ thống nước nóng, lạnh, đảm bảo sức khỏe cho các vận động viên.
Ngày 12/12/2013, HĐND tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 30/2013/NQ-HĐND về việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ở thành phố Nam Định. Trong đó đã đặt tên công trình công cộng: Nhà thi đấu đa năng và Bể bơi nằm trên quốc lộ 10, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định là Cung Thể thao tỉnh Nam Định.
Công trình Cung thể thao tỉnh Nam Định hiện đang được giao cho Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Nam Định, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý.
2. Sự cần thiết lập đề án
Việc đổi tên Cung Thể thao tỉnh Nam Định thành Cung Thể thao Nam Định là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh thay đổi địa giới hành chính do sáp nhập tỉnh. Cụ thể, sau khi tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình sáp nhập, tên gọi “tỉnh Nam Định” không còn phản ánh chính xác đơn vị hành chính hiện tại. Việc đổi tên giúp đảm bảo tính cập nhật, phù hợp với quy hoạch mới, đồng thời giữ gìn và phát huy giá trị biểu tượng gắn liền với tên “Nam Định” như một trung tâm thể thao truyền thống và uy tín. Đây cũng là bước đi cần thiết để đồng bộ trong công tác quản lý, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và phục vụ người dân một cách hiệu quả hơn.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính Phủ về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;
- Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng theo Nghị định số: 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính Phủ;
- Nghị quyết số 30/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định về việc ban hành Nghị quyết đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ở thành phố Nam Định;
- Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII;
- Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị;
- Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp;
- Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 27/4/2025 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định về việc thông qua chủ trương hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định.
III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ NGUYÊN TẮC ĐỔI TÊN
1. Mục đích:
- Phù hợp với đơn vị hành chính mới sau khi các tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình sáp nhập.
- Đảm bảo tính chính xác, rõ ràng và thống nhất trong tên gọi các công trình công cộng, phục vụ công tác quản lý, tra cứu và sử dụng thông tin hiệu quả. Tạo thuận lợi cho công tác truyền thông, tổ chức sự kiện và quảng bá, giúp người dân và các tổ chức dễ nhận diện.
- Góp phần hoàn thiện việc kiện toàn hệ thống tên gọi sau quá trình sáp nhập tỉnh theo hướng khoa học, hợp lý và phù hợp với các quy định hiện hành
2. Yêu cầu:
- Bảo đảm tính pháp lý và hành chính: Việc đổi tên phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý tên gọi các công trình công cộng sau khi thay đổi địa giới hành chính.
- Tên gọi mới cần ngắn gọn, dễ nhớ, đảm bảo thuận tiện trong công tác quản lý và truyền thông.
- Đồng bộ với các danh mục, hồ sơ hiện hành: Việc đổi tên cần kèm theo cập nhật trong hệ thống hồ sơ, cơ sở dữ liệu, bản đồ và các tài liệu liên quan nhằm bảo đảm thống nhất và đồng bộ trên toàn hệ thống quản lý nhà nước.
3. Nguyên tắc đổi tên.
3.1. Nguyên tắc chung.
- Việc đổi tên công trình công cộng phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ.
3.2. Nguyên tắc cụ thể:
- Đảm bảo tính kế thừa và ổn định: Tên gọi mới cần giữ được yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống gắn với địa phương (Nam Định) để tránh gây xáo trộn, đồng thời bảo đảm tính ổn định lâu dài.
- Phản ánh đúng thực tiễn hành chính - địa lý: Tên gọi thể hiện đúng địa bàn hiện tại sau sáp nhập (Nam Định là một khu vực thuộc tỉnh mới sau sáp nhập).
- Đảm bảo tính rõ ràng, dễ nhận biết: Tên gọi mới cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tra cứu, không gây nhầm lẫn với các công trình khác trong cùng địa bàn hoặc khu vực lân cận.
- Thống nhất trong hệ thống tên gọi các công trình công cộng: Việc đổi tên phải đồng bộ với các công trình, đơn vị khác trong tỉnh mới, bảo đảm sự nhất quán trong công tác quản lý và truyền thông.
IV. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

V. KẾT LUẬN
Việc đổi tên "Cung thể thao tỉnh Nam Định" là cần thiết và phù hợp với xu hướng mới, đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh địa phương trong công tác truyền thông. Tên gọi mới vừa ngắn gọn, dễ ghi nhớ vừa giữ được bản sắc văn hóa và tính biểu trưng của địa phương.
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích và xin ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan, có thể khẳng định rằng việc đổi tên là hợp lý, không ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ hay hoạt động của đơn vị, đồng thời đáp ứng mong muốn của chính quyền các cấp và nguyện vọng của nhân dân.
VI. KIẾN NGHỊ
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua việc đổi tên Cung Thể thao tỉnh Nam Định để có cơ sở triển khai thực hiện./.
GIÁM ĐỐC
Vũ Đức Thọ