Dự thảo Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước 2025 bổ sung thẩm quyền cho địa phương

Một nội dung mới trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước là quy định thẩm quyền của hội nhân dân đồng cấp tỉnh trong việc quyết định định mức chi ngân sách địa phương. Điều này tạo sự linh hoạt cho các địa phương giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp….

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính phát biểu tại hội nghị

Sáng ngày 07/7/2025, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị thảo luận, xin ý kiến các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước số 89/2025/QH15.

Tại Luật này, Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết 4 nội dung và giao Chính phủ quy định chi tiết 26 nội dung. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xác định chủ trì xây dựng 3 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 6 Nghị định của chính phủ.

Bộ Tài chính cho biết dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước được xây dựng trên năm nhóm quan điểm:

Một làđảm bảo thống nhất với các nguyên tắc sửa đổi Luật đã được áp dụng trong quá trình xây dựng Luật Ngân sách nhà nước; đồng bộ với Nghị quyết số 203/2025/QH15 của Quốc hội ngày 16/6/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các Luật có liên quan được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 vừa qua.

Hai là chỉ quy định chi tiết nội dung đã được giao tại Luật Ngân sách nhà nước.

Ba làđảm bảo tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cũng như chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành và địa phương theo quy định của pháp luật.

Bốn làkế thừa những quy định hiện hành đã được thực tiễn chứng minh đem lại các tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của đất nước; những nội dung cần sửa đổi, bổ sung phải có quy định rõ ràng, minh bạch.

Năm làđơn giản hóa trình tự, thủ tục; đảm bảo tính khả thi; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm; tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo tính chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong việc lập, chấp hành, quyết toán, công khai, giám sát Ngân sách nhà nước.

Luật Ngân sách nhà nước năm 2025 là một dự án luật có phạm vi rộng lớn, tác động sâu sắc tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực và địa phương trong cả nước.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính phát biểu tại hội nghị

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất và kiến nghị cụ thể từng nội dung quy định tại các điều, khoản của Nghị định để tháo gỡ các khó khăn và phù hợp với thực tiễn cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý Ngân sách nhà nước trong tình hình mới. Trong đó, tập trung vào sáu vấn đề sau:

Thứ nhất là điều kiện và cách thức xác định bội chi ngân sách; quy định quản lý, hạch toán vay, trả nợ; cách thức quản lý và hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện; hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước cho các tổ chức xã hội. Ngoài ra, quy định thẩm quyền của hội nhân dân đồng cấp tỉnh trong việc quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách địa phương.

Thứ hai làvề công tác lập dự toán Ngân sách nhà nước bao gồm trách nhiệm của các cơ quan, trình tự, các mốc thời gian lập, xây dựng, tổng hợp, quyết định và giao dự toán Ngân sách nhà nước.

Thứ ba làcông tác chấp hành các quy định liên quan đến phân bổ và giao dự toán; tổ chức thu, chi ngân sách; nguyên tắc, tiêu chí và điều kiện ứng trước dự toán; quy trình, trình tự, thủ tục điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi, quyết định sử dụng tăng thu so với dự toán, dự toán chi còn lại của cấp ngân sách, thưởng vượt thu, bù hụt thu.

Thứ tư làcông tác khóa sổ; xử lý chuyển nguồn; trình tự quyết toán của các đơn vị sử dụng ngân sách, các cấp ngân sách; xử lý kết dư ngân sách.

Thứ năm làcông khai ngân sách, giám sát của cộng đồng về ngân sách: Trách nhiệm và nội dung, thời điểm công khai của các cơ quan; hình thức, cách thức tổ chức giám sát ngân sách của cộng đồng.

Thứ sáu làlập kế hoạch tài chính 05 năm dựa trên căn cứ, yêu cầu lập; nội dung, trình tự lập; trách nhiệm của các cơ quan.

Phương Linh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/du-thao-du-thao-nghi-dinh-huong-dan-thi-hanh-luat-ngan-sach-nha-nuoc-2025-bo-sung-tham-quyen-cho-dia-phuong.htm