Dự thảo EPR: Cần minh bạch và công bằng hơn

Dù được đánh giá là nền tảng phát triển công nghiệp môi trường cũng như hình thành kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, tuy nhiên, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020, trong đó, Dự thảo Quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) dự kiến sẽ trình Bộ Tư pháp thẩm định thời gian tới, có nhiều nội dung được cho là chưa phù hợp.

Nhiều nội dung chưa phù hợp

Vấn đề cơ chế hoạt động, thành phần tham gia Hội đồng quốc gia và Văn phòng EPR Việt Nam đưa ra trong dự thảo trước đó đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý từ các chuyên gia và tổ chức, hiệp hội ngành nghề. Tại văn bản góp ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020 của Bộ Công Thương số 4720/BCT-ATMT gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các nội dung đưa ra tại Điều 88, 99, 100 làm rõ hơn mô hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng EPR Việt Nam vì sẽ phát sinh thêm bộ máy tổ chức và biên chế, trong khi các nội dung này không được quy định trong Luật BVMT, đi ngược với chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế hiện nay.

 Điểm thu gom rác tái chế ở phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điểm thu gom rác tái chế ở phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, linh kiện máy móc, chế phẩm sinh học, xử lý chất thải…, tái chế không phải là vấn đề khó thực hiện mà khó nhất ở khâu thu gom. Theo các quy định hiện hành về thu hồi sản phẩm thải bỏ, khi sản phẩm thải bỏ của các loại thiết bị nêu trên được đưa ra điểm thu hồi, phải quản lý như chất thải nguy hại (CTNH), chất thải công nghiệp và chỉ những đơn vị có chức năng, giấy phép hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý CTNH mới được phép thu gom, vận chuyển, xử lý. Mặt khác, sản phẩm thải bỏ qua sử dụng của hộ gia đình phân tán trên phạm vi toàn quốc khó thu gom tập trung. Đây là rào cản chính khiến doanh nghiệp sản xuất (đa phần không phải là đơn vị có chức năng thu gom, xử lý CTNH) khó thu hồi sản phẩm thải bỏ phục vụ tái chế. Do đó, để giúp giải quyết điểm nghẽn về tái chế sản phẩm thải bỏ, cần thiết nhất là quy định để thực hiện thu gom, thiết lập các hệ thống thu hồi thiết bị, sản phẩm thải bỏ.

Đồng thời, việc quy định cứng nhắc danh mục các sản phẩm kèm theo mức đóng góp và thời điểm thực hiện trách nhiệm hỗ trợ xử lý chất thải tại Phụ lục 61 chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với đó, ý kiến của đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề nghị, tại Điều 97 mục 2 của Dự thảo đối với chi phí tái chế phải có thêm đại diện của các nhà tái chế (PRO) để đảm bảo tính minh bạch và công bằng cho các doanh nghiệp khi thực hiện EPR…

Liệu có “thuế chồng thuế”?

Nhiều nội dung trong Dự thảo của nghị định liên quan đến EPR cũng chưa nhận được sự đồng thuận của các hiệp hội doanh nghiệp/ngành nghề. Cụ thể: Cần xác định lại quy cách và tỷ lệ tái chế để đưa ra quy định phù hợp với thực tế công nghệ ở Việt Nam. Về quy định đóng góp tài chính, nếu doanh nghiệp không thể tự thực hiện tái chế, cần có sự tham gia của Bộ Tài chính để xác định mức phí đóng, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp.

Câu hỏi đặt ra cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, liệu có thuế chồng thuế, phí chồng phí không, khi những sản phẩm đã phải đóng thuế môi trường trên mỗi sản phẩm bán ra, doanh nghiệp lại phải bỏ tiền để thu hồi và xử lý các sản phẩm thải bỏ đó? Ông Hoàng Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) - nêu ý kiến, hiện, các sản phẩm dầu nhờn của doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu bán ra trên thị trường Việt Nam đang phải đóng thuế BVMT là 2.000 đồng/lít dầu nhờn cho cơ quan thuế. Vậy, khi thực hiện EPR, số tiền này doanh nghiệp có phải đóng không, nếu có, thì vô hình trung, sản phẩm hai lần bị đánh thuế môi trường.

Trong khi đó, đại diện ICHAM - ông Nguyễn Hồng Uy - cho rằng, nhiều nội dung chưa phù hợp với Luật BVMT như Điều 90 quy định về số tiền bị phạt và thời gian truy thu. “Thời hạn đưa ra là 15 ngày quá ngắn và không có cơ chế để doanh nghiệp phản hồi với văn phòng EPR. Hơn nữa, cơ sở nào để quy định các mức phạt, truy thu 30% mà không phải 20% hay 10%” - ông Nguyễn Hồng Uy chia sẻ...

Với nhiều nội dung chưa tạo được sự đồng thuận, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét và điều chỉnh phù hợp, tránh trường hợp văn bản được ban hành nhưng không thể triển khai trong thực tế.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-thao-epr-can-minh-bach-va-cong-bang-hon-163847.html