Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí kịp thời, phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Luật Báo chí được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 05/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.

Tại thời điểm ban hành, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Luật Báo chí quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên.

Tuy nhiên sau hơn 07 năm thi hành, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí và sự phát triển của khoa học, công nghệ, truyền thông.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cần thiết phải xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí kịp thời, phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành.

Việc xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) dựa trên các quan điểm:

Một là, báo chí của nước ta là báo chí cách mạng, gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, là diễn đàn của nhân dân. Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung phải nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với báo chí; phát huy tối đa những mặt tích cực, khắc phục tối đa những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động báo chí; phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí.

Hai là, đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; cơ chế thực thi bảo đảm không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Ba là, bảo đảm yêu cầu về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ: đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, không luật hóa các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành.

Bốn là, bảo đảm tính khả thi của các quy định, tạo điều kiện để báo chí phát triển phù hợp với xu hướng phát triển trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Năm là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước về báo chí.

Bố cục của dự án Luật Báo chí (sửa đổi)

Với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dự án Luật Báo chí (sửa đổi) chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, quy định ngắn gọn theo hướng các nguyên tắc quản lý. Trên cơ sở đó, bố cục của dự thảo Luật Báo chí gồm 05 Chương, 53 Điều (giảm 01 Chương, 08 Điều so với Luật Báo chí năm 2016), cụ thể như sau:

Chương I. Quy định chung (gồm 11 Điều, từ Điều 1 đến Điều 11), cơ bản kế thừa, có sửa đổi, bổ sung quy định tại Chương I của Luật hiện hành, đồng thời, đưa một số quy định tại Chương II của Luật hiện hành lên Chương này.

Chương II. Tổ chức báo chí (gồm 04 Mục, 18 Điều, từ Điều 12 đến Điều 29). Chương này kế thừa, có sửa đổi, bổ sung quy định tại Chương III của Luật hiện hành; đưa một số quy định tại Chương II, Chương IV của Luật hiện hành về Chương này; đồng thời bổ sung quy định về mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông (Điều 14); quy định về thu hồi giấy phép (Điều 18).

Chương III. Hoạt động báo chí (gồm 05 Mục, 20 Điều, từ Điều 30 đến Điều 49. Chương này cơ bản kế thừa, có sửa đổi, bổ sung quy định tại Chương IV của Luật hiện hành; chuyển mục 4 Chương IV của Luật Báo chí hiện hành sang Chương II; đồng thời bổ sung Mục 1 (02 Điều) quy định về hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Chương IV. Khen thưởng, thanh tra và xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí (gồm 03 Điều, từ Điều 50 đến Điều 52), cơ bản kế thừa, có sửa đổi, bổ sung quy định tại Chương V của Luật hiện hành.

Chương V. Điều khoản thi hành (gồm 01 Điều, Điều 53) quy định thời điểm có hiệu lực của Luật.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Minh Hiển

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/du-thao-luat-bao-chi-sua-doi-102250213163545232.htm