Nghị quyết về sắp xếp tinh gọn bộ máy cần hiệu lực thực thi ngay

Ngày 13/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đên sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) cho biết: Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước theo trình tự rút gọn, nhưng có một số vấn đề lưu ý về trình tự tiếp nhận xử lý vi phạm hành chính cần có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền người ký các quyết định xử phạt trong giai đoạn giao thời.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đề xuất Nghị quyết về sắp xếp tinh gọn bộ máy cần hiệu lực thực thi ngay. Ảnh: XC

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đề xuất Nghị quyết về sắp xếp tinh gọn bộ máy cần hiệu lực thực thi ngay. Ảnh: XC

“Về thời hạn xử lý văn bản đang quy định 3 tháng, nhưng theo thống kê, có khoảng 5.000 văn bản phải điều chỉnh khi thực hiện sắp xếp bộ máy. Đây là khối lượng văn bản lớn, đòi hỏi phải quy định rõ ràng, trách nhiệm người xử lý. Về thời điểm hiệu lực của Nghị quyết theo quy định là ngày 1/3, nhưng trong bối cảnh hiện nay, Nghị quyết về sắp xếp tinh gọn bộ máy cần có hiệu lực thực thi ngay, bởi các cơ quan Chính phủ đều đang đợi triển khai Nghị quyết”, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề xuất.

Về sắp xếp tinh gọn bộ máy, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng: “Để việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy tăng hiệu quả hoạt động phải giảm cấp trung gian, tăng hoạt động trên môi trường điện tử và năng lực đội ngũ cán bộ xử lý công việc”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, phát biểu tại họp tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Dự thảo có nội dung mới đồng ý cho Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh trong sắp xếp tổ chức bộ máy và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Bởi việc sửa đổi 4 luật tại Kỳ họp này có liên quan tới hơn 300 luật khác; khoảng 5.000 văn bản liên quan tới Nghị định, Thông tư cần phải sửa, nên không thể sửa ngay trong Kỳ họp này.

"Sắp xếp bộ máy tinh gọn, mạnh, phải tạo điều kiện, cơ chế cho bộ máy hoạt động hiệu quả; muốn mạnh phải có con người mạnh, sắp xếp cần phải chọn người tài, có năng lực để phục vụ đất nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó, chiều 12/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong đó điểm mới là Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về các ngành, lĩnh vực. Chính phủ phân công phạm vi quản lý Nhà nước cho các bộ, cơ quan ngang bộ; phân cấp thẩm quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo phạm vi quản lý, bảo đảm phân định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ và người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã hoàn thiện các nội dung mang tính nguyên tắc về phân cấp, ủy quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương...

XM/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/nghi-quyet-ve-sap-xep-tinh-gon-bo-may-can-hieu-luc-thuc-thi-ngay-20250213162554660.htm