DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI) CÓ NHIỀU ĐIỂM MỚI TIẾN BỘ
Trong khuôn khổ Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi), nhiều đại biểu quốc hội đánh giá nhiều quy định trong Dự thảo đã đổi mới, tiến bộ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, là đòi hỏi cấp bách, xuất phát từ thực tiễn. Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiều ý kiến đã đánh giá cao Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc các ý kiến đóng góp của đại biểu tại Kỳ họp 9; đồng thời bổ sung nhiều quy định mang tính tiến bộ, đổi mới, phù hợp với sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính mà Chính phủ đang triển khai.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, Ban soạn thảo cần bám sát thực tiễn, quy định rõ các quy định về quản lý nhà nước, tăng cường phân cấp, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan.
Cho ý kiến vào các nội dung của dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cũng cần phải làm rõ thêm nguồn ngân sách cũng như nguồn nhân lực phát sinh để thực hiện những quy định mới để Quốc hội có những cơ sở xem xét, đánh giá và quyết định. Để áp dụng trong thực tiễn thì phần lớn các chính sách đều phải tăng thêm nguồn ngân sách và nhân lực để thực hiện nhưng không rõ phát sinh cụ thể như thế nào.
Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng việc tăng chi bảo vệ môi trường là cần thiết. Tại Kỳ họp thứ 9, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình tăng chi cho hoạt động bảo vệ môi trường và trên thực tế thờ gian qua nhà nước cũng chi cho công tác bảo vệ môi trường thông qua các văn bản như Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết 86 về dự toán ngân sách nhà nước, với tỷ lệ chi hơn 1%. Điều đó cho thấy Đảng, Nhà nước rất quan tâm thực hiện đúng chủ trương bảo vệ môi trường và xem môi trường là một trong ba trụ cột phát triển bền vững kinh tế xã hội. Để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc có thêm cơ chế đặc thù để có thêm nguồn lực nhằm chi đầu tư bảo vệ môi trường, xử lý khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo phương châm đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển.
Về giải thích từ ngữ, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lạng Sơn, để nghị Ban soạn thảo xem lại khái niệm “cộng đồng dân cư” vì thực tế có hai vấn đề cần xử lý. Thứ nhất là khái niệm cộng đồng dân cư theo quy định của dự thảo Luật, gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên các bản làng, thôn, xã và có cùng phong tục tập quán. Đại biểu đề nghị cần đưa ra 2 khái niệm, đó là cộng đồng dân cư phải hiểu chung là khái niệm không có cùng phong tục tập quán. Bởi vì trong hoạt động di cư hiện nay có rất nhiều đối tượng sinh sống nên không có cùng tập quán. Hơn nữa, cộng đồng dân cư ở đây không chỉ có người Việt Nam mà có cả người nước ngoài nên cần hiểu khái niệm cộng đồng dân cư theo nghĩa rộng hơn để có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật cũng có một số điều liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ rừng thì lúc đó lại phải sử dụng khái niệm cộng đồng dân cư theo khái niệm truyền thống. Do vậy, đại biểu đề xuất sử dụng hai khái niệm song song cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cũng liên quan đến cộng đồng dân cư quy định tại khoản 3, Điều 4 về nguyên tắc bảo vệ môi trường trong dự thảo Luật nêu: Bảo vệ môi trường gắn với đảm bảo an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng có vấn đề lớn liên quan đến môi trường đó là vấn đề rừng, nguồn nước, sinh thái liên quan đến vùng đồng bào dân tộc, do vậy đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm quy định thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Về quy định tại Điều 165 có quy định về sự tham gia cộng đồng, nhưng dự thảo luật chỉ đề cập tham gia của cộng đồng thông qua đại diện là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã hoặc đại diện cộng đồng dân cư bầu phải được địa phương cộng nhận. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là rào cản rất lớn, hạn chế sự tham gia của người dân vào công tác bảo vệ môi trường, vì vậy, ban soạn thảo cần nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp.
Về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, quy định tại Chương IV, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, quy định phân loại dự án đầu tư; đề nghị nghiên cứu phân cấp mạnh mẽ trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho địa phương.
Cho ý kiến về việc tích hợp 7 giấy phép trong một, có ý kiến cho rằng đây là một chính sách mang tính cách mạng nhưng cũng lưu ý ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát xem việc tích hợp giấy phép này có thực sự thuận lợi trên thực tế hay không?
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, khẳng định việc tích hợp giấy phép xả thải vào môi trường là điểm mới tiến bộ của Luật, thay vì yêu cầu doanh nghiệp đã làm thủ tục xác nhận hoàn thành theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường và việc xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi. Có nhiều đại biểu băn khoăn vì 3 luật liên quan đến việc quản lý xả nước thải vào nguồn nước. Qua nghiên cứu thực tế, đại biểu cho rằng, việc tích hợp là cần thiết và khả thi. Bởi các loại giấy phép hiện nay như giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đều được cấp dựa trên đánh giá tác động môi trường, kết quả vận hành công trình bảo vệ môi trường, các quy chuẩn bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các nội dung quản lý chất thải trong các giấy phép này về bản chất cũng giống nhau.
Tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, lại cho rằng nếu giao cho ngành tài nguyên và môi trường quản lý việc cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi thì ngành nông nghiệp không có thầm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát, do vậy không thể thực hiện đảm bảo nguồn nước cho công trình thủy lợi. Việc quản lý nước trong công trình thủy lợi do hai ngành quản lý, trong đó ngành tài nguyên môi trường chịu trách nhiệm về chất lượng nước cho công trình thủy lợi, ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm số lượng nước trong công trình thủy lợi, trong khí đó, quan hệ về chất và lượng là quan hệ hữu cơ, nếu chia tách quản lý như vậy là chưa phù hợp, gây chồng chéo, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thực tiễn cấp giấy phép, giấy xác nhận về bảo vệ môi trường, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi trong thời gian qua đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập.
Để bảo đảm thống nhất quản lý về bảo vệ môi trường nói chung, quản lý hoạt động xả nước thải vào nguồn nước nói riêng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và vẫn bảo đảm công tác bảo vệ môi trường, việc quy định tích hợp các loại giấy phép, giấy xác nhận về bảo vệ môi trường hiện hành với các loại giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi bằng 01 giấy phép môi trường là hết sức cần thiết. Do vậy, dự thảo Luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm chủ trì, cơ chế tham gia phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trướng với cơ quan quản lý về công trình thủy lợi.
Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng cho ý kiến vào nhiều nội dung khác của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), như quy hoạch bảo vệ môi trường; thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; quản lý chất thải; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; công cụ chính sách và nguồn lực bảo vệ môi trường.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đã có 17 đại biểu thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan.
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị tập trung về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đối tượng, phạm vi; thầm quyền thẩm định đánh giá tác động môi trường; về giấy phép môi trường; miễn trừ giấy phép môi trường; vấn đề quản lý chất thải, phòng ngừa ứng phó sự số môi trường; xử lý vi phạm lĩnh vực môi trường; công cụ kinh tế, nguồn lực bảo vệ môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến vào một số điều khoản cụ thể của dự thảo Luật. Ngay sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, giải trình ý kiến đại biểu quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, xem xét, làm rõ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ 2 tại phiên họp thứ 49, dự kiến diễn ra tháng 10/2020, sau đó trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 10 tới./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=48009