Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) - nhiều điểm mới có tính đột phá
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang trong những ngày cuối cùng trước khi các đại biểu Quốc hội khóa XIV 'bấm nút' thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (từ ngày 20/10 đến ngày 17/11/2020).
Trong cuộc gặp gỡ với báo giới và trao đổi với các nhà khoa học diễn ra vào tối 5/11 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường không thể có “độ lùi” so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, trái lại, có những điểm mới mang tính đột phá, đưa các quy định về bảo vệ thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trưởng, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường khác.
Vai trò của người dân trong bảo vệ môi trường
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương, 174 điều với mục tiêu đồng bộ hóa các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của một dự án đầu tư, từ khâu xem xét chủ trương, thẩm định, thực hiện cho đến khi dự án đi vào vận hành, bao gồm chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường.
Đặt lên “bàn cân” để đối chiếu Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, rất dễ nhận thấy vai trò của người dân trong việc bảo vệ môi trường, giám sát môi trường được đề cao trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Chương XIII, Điều 160 quy định Quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường. Theo đó, cộng đồng dân cư có quyền được cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin môi trường, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; bảo đảm các điều kiện để tham gia và giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đại diện hợp pháp của cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổ chức giám sát và phản biện xã hội, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cộng đồng dân cư và người dân đối với các vấn đề môi trường trên địa bàn để kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước hoặc yêu cầu chủ dự án tiến hành xử lý…
Điều 161 quy định về việc Nhà nước hỗ trợ các tổ chức, cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.
Chương IV, Mục 3, Điều 33 của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định về việc tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan. Theo đó, kết quả tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan là thông tin quan trọng để chủ dự án nghiên cứu để đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Như vậy là lần đầu tiên trách nhiệm của chủ dự án trong việc tham vấn cộng đồng dân cư được quy định ngay từ khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trách nhiệm tham vấn của cơ quan thẩm định trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua nhiều hình thức, bao gồm việc đăng tải trên cổng thông tin điện tử các nội dung tham vấn trong quá trình thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cộng đồng dân cư lần đầu được quy định một cách rất rõ nét là một chủ thể quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.
Trăn trở về “độ mở” của thông tin môi trường
Trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), việc công khai thông tin về môi trường là sợi chỉ xuyên suốt kết nối các nội dung cụ thể về bảo vệ môi trường bên cạnh một khoản riêng quy định việc cung cấp thông tin.
Chương XI - Quan trắc môi trường, thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường và báo cáo môi trường có Muc 2 quy định về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường.
Theo đó, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bổ sung nguyên tắc hoạt động bảo vệ môi trường phải được công khai, minh bạch, quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến chất lượng môi trường không khí, chất lượng môi trường đất, chất thải nguy hại, kết quả quan trắc chất thải; chủ trương của Nhà nước là khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, cung cấp thông tin về môi trường; trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh và chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh… trong việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường.
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định cụ thể: Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin về môi trường thuộc trách nhiệm thu thập, lưu giữ và quản lý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia hoặc thông qua các báo cáo theo quy định của pháp luật.
Các chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu sản xuất, kinh doanh tập trung, cụm công nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia hoặc thông qua các báo cáo theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thảo luận về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có ý kiến cho rằng dự thảo luật lần này có độ mở quá lớn về thông tin môi trường. Bởi vì trong Dự thảo Luật bảo vệ môi trường, Điều 114 có khoản 3a: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, cung cấp thông tin về môi trường”, khoản 3d: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân công khai thông tin về môi trường theo quy định trên cổng thông tin của cơ quan, tổ chức trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác…”.
“Các hình thức khác” ở đây có thể được hiểu là bao gồm cả mạng xã hội. Từ đây nảy sinh mối băn khoăn về việc điều luật có thể bị lạm dụng để cung cấp thông tin chưa được thẩm định, thậm chí là không đúng sự thật, gây nhiễu loạn xã hội.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo cho biết khoản 3d còn có điều kiện ràng buộc là “Việc công khai thông tin về môi trường phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan”. Bên cạnh đó, khoản 4 nêu rõ: “Chính phủ quy định chi tiết nội dung về việc quản lý thông tin về môi trường, trình tự, thủ tục, thời điểm và hình thức cung cấp, công khai thông tin về môi trường”.
Mục tiêu “thành phố thông minh” có bị làm khó?
Trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) Chương XI, Điều 110 về Điều kiện tham gia hoạt động quan trắc môi trường quy định:
Chương trình quan trắc môi trường quốc gia, chương trình quan trắc môi trường địa phương, chương trình quan trắc môi trường của tổ chức kinh doanh, dịch vụ theo yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường và hoạt động quan trắc phục vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường phải được thực hiện bởi các tổ chức được chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
Tổ chức đáp ứng các yêu cầu về nhân lực quan trắc môi trường, trang thiết bị quan trắc môi trường, điều kiện kỹ thuật của phòng thí nghiệm và có quy trình phương pháp về quan trắc môi trường được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Tổ chức được cấp giấy chứng nhận phải bảo đảm hoạt động phù hợp với năng lực và phạm vi đã được chứng nhận.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quan trắc chất lượng môi trường định kỳ, thường xuyên, liên tục nhằm cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về quan trắc chất lượng môi trường theo quy định của pháp luật.
Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP), bày tỏ mối băn khoăn về việc các quy định “được siết chặt” về điều kiện tham gia hoạt động quan trắc môi trường trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có thể ảnh hưởng đến mục tiêu trở thành “Thành phố thông minh” mà các đô thị lớn của Việt Nam đang phấn đấu, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Ba trong sáu Tiêu chí nhận diện thành phố thông minh là môi trường thông minh, chính quyền thông minh và cư dân thông minh.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) không làm ảnh hưởng đến các tiêu chí của khái niệm thành phố thông minh. Cụ thể, Điều 106 - Quy định chung về quan trắc môi trường có khoản 3: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia quan trắc môi trường và công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng.
Tuy nhiên, để tránh bị lạm dụng hoặc sử dụng thông tin vào mục đích xấu, đi ngược với lợi ích chung của cộng đồng thì việc tham gia quan trắc môi trường và công bố thông tin về chất lượng môi trường, đặc biệt là chất lượng không khí, cần phải có điều kiện ràng buộc là “theo quy định của pháp luật”.
Các tổ chức, cá nhân quan trắc môi trường và công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin. Hoạt động quan trắc môi trường phải bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng, cung cấp các kết quả quan trắc chính xác, tin cậy. Phương tiện, thiết bị quan trắc môi trường là phương tiện đo được sử dụng trong hoạt động quan trắc môi trường phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường.
Những điểm đột phát
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa được chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; bảo vệ môi trường không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải mà các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên.
Dự thảo Luật đã định chế nội dung sức khỏe môi trường, bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước. Nội dung sức khỏe môi trường tuy không có duy định riêng nhưng đã được định chế trong toàn bộ Dự thảo Luật thông qua việc bảo vệ các thành phần môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe con người, bảo đảm quyền của mọi người được sống trong môi trường trong lành. Dự thảo Luật đã bổ sung nội dung quản lý các chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, các bộ, UBND cấp tỉnh trong việc theo dõi, kiểm soát, phòng ngừa các chất ô nhiễm.
Dự thảo Luật thúc đẩy việc phân loại rác thải tại nguồn, định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Tình trạng chôn lấp rác ở nước ta còn cao là một phần do rác thải chưa được phân loại, dẫn đến khó khăn trong xử lý. Để khắc phục, Dự thảo luật đã quy định việc thu phí rác thải phải dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu kỹ mô hình và kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về việc thu phí rác thải qua hình thức bán bao bì và thiết bị đựng rác như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, phân cấp mạnh cho địa phương.
Cũng lần đầu tiên Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) chế định cụ thể về việc kiểm soát môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp. Dự thảo Luật đã cụ thể hóa các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các bon trong nước; hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên; tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, nhận xét: Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) có nhiều tiến bộ, đã được chỉnh sửa nhiều lần trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua và vẫn tiếp tục được hoàn thiện, vì lợi ích của quốc gia, cộng đồng.