Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Làm rõ cơ chế xử lý tranh chấp trong hoạt động dầu khí
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã cơ bản lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý; việc phân cấp, phân quyền đã được thể hiện rõ trong dự thảo.
Nên quy định rõ ràng về giải quyết tranh chấp
Theo các chuyên gia kinh tế, việc chồng lấn mỏ dầu với dự án khác như dự án điện gió ngoài khơi có thể xảy ra, song, cơ chế xử lý tranh chấp như thế nào cũng chưa rõ. TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá, đây là vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp, trong khi nhà đầu tư nước ngoài có vai trò rất lớn.
“Từ kinh nghiệm thực tiễn, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cần xác định rõ, trao quyền đến mức nào thì được chấp nhận và không gây ra xung đột quá lớn”- TS. Võ Trí Thành nêu.
Theo các chuyên gia, dự thảo Luật đã phân loại tranh chấp, nhưng quan trọng nhất là tranh chấp giữa nước chủ nhà và công ty dầu khí nước ngoài. Để giải quyết mọi bất đồng/tranh chấp giữa nước chủ nhà và công ty dầu khí nước ngoài thì theo truyền thống các bên quy định trong hợp đồng giải quyết bất đồng thông qua thương lượng và hòa giải. Nếu thương lượng, hòa giải không thành thì một trong hai bên hoặc cả hai bên sẽ đưa tranh chấp ra giải quyết trước trọng tài, mà thường là trọng tài quốc tế.
Bên cạnh đó, trong hợp đồng dầu khí luôn có Điều khoản xử lý tranh chấp và luật áp dụng. Các nước chủ nhà thường luật áp dụng gồm các nguồn luật của Luật Nước chủ nhà, các nguyên tắc lớn của luật pháp quốc tế và tập tục lành mạnh trong công nghiệp dầu khí.
Để hạn chế và phòng ngừa tranh chấp phát sinh, theo các chuyên gia, cần áp dụng một giải pháp tổng thể như: lựa chọn đối tác thận trọng; đàm phán và soạn thảo một hợp đồng công bằng và thỏa đáng cho cả hai bên; tôn trọng cam kết, thiện chí hợp tác trong thực hiện hợp đồng.
Đồng thời, khi tranh chấp phát sinh thì thiện chí thương lượng, hòa giải. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì giải quyết tranh chấp trước trọng tài: tham gia tích cực các giai đoạn tố tụng trọng tài và tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài.
Mặt khác, dự thảo Luật cần được sửa đổi theo hướng khuyến khích minh bạch thông tin, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định, thỏa thuận quốc tế nhằm sử dụng nguồn tài nguyên này hiệu quả, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển bền vững quốc gia.
Bên cạnh đó, quy định rõ ràng về giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, xử lý việc giải quyết tranh chấp một cách đồng bộ, nhất quán với pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
Đồng bộ và tránh chồng chéo
Các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, trong bối cảnh mới, đòi hỏi dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) phải có cách nhìn mới. Mới không chỉ là đề xuất cơ chế ưu đãi đặc biệt để “đánh thức” đầu tư vào lĩnh vực kinh tế từng có năm đóng góp đến 25% GDP của cả nước mà quan trọng hơn là vừa bảo đảm được tính đặc thù của ngành dầu khí nhưng vẫn bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hài hòa thông lệ quốc tế.
Một trong những yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi Luật Dầu khí là phải xác lập quy trình thực hiện riêng biệt cho dầu khí và đó phải là một quy trình đủ rõ, đủ cụ thể để có thể thực hiện ngay, chứ không nhắc lại hoặc viện dẫn quy định chung chung ở luật khác hay thiết kế quá nhiều quy định có tính định tính.
Cụ thể, cần xử lý thật tốt mối quan hệ giữa Luật Dầu khí với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và nhiều luật khác có liên quan. Chẳng hạn, khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư - đạo luật gốc về hoạt động đầu tư, đã quy định về nguyên tắc, trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành thì các luật này sẽ phải xác định nội dung cụ thể thực hiện hoặc không thực hiện theo Luật Đầu tư.
TS. Võ Trí Thành chỉ ra, cần xem xét, sửa đổi Luật Dầu khí để phù hợp, tạo ra cơ chế, chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư.
Một trong những nội dung sửa đổi của Luật lần này đó là hài hòa các quy định, đặc biệt quy định của Luật Dầu khí với các Luật có liên quan. Có hai thay đổi lớn, một là dự thảo luật có mong muốn làm rõ nếu như có các quy định khác nhau thì nên áp dụng quy định nào, nguyên tắc đưa ra là sẽ áp dụng quy định của Luật Dầu khí. Thêm nữa, dự thảo đã bắt đầu thiết kế những quy định cho dự án dầu khí theo chuỗi, bao gồm rất nhiều hoạt động, nhằm giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính không cần thiết trong quá trình thực hiện và triển khai hoạt động dầu khí. Đây là nội dung rất quan trọng nhưng về mặt kỹ thuật cũng sẽ có những thách thức và ban soạn thảo cần rà soát, quy định càng chi tiết càng tốt, mang tính khả thi có thể áp dụng được.
Một số ý kiến cho rằng, quy định về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, vẫn chưa giải quyết được xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với các Luật khác có liên quan.
Do đó, cơ quan soạn thảo cần xem xét quy định rõ trong dự thảo Luật nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí theo hướng hạn chế tối đa việc dẫn chiếu đến quy định pháp luật tại Luật khác để bảo đảm tính khả thi và rõ ràng, thống nhất trong quá trình thực hiện; quy định rõ phải áp dụng pháp luật dầu khí để thực hiện các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí (hoạt động dầu khí, điều tra cơ bản về dầu khí, Dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ...).
Việc điều chỉnh, áp dụng các Luật liên quan khác đến hoạt động trung nguồn và hạ nguồn cũng phải quy định rõ ràng trong dự thảo Luật để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các Luật, dẫn đến việc không áp dụng được trên thực tế triển khai dự án dầu khí.
Lan Anh