Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), cơ quan chủ trì xây dựng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 5 nhóm chính sách sửa đổi chính, trong đó tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Sáng 9/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Luật Đầu tư công (sửa đổi) với các tỉnh, thành phố thuộc hai vùng: Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; vùng Tây Nguyên.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết, việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này rất toàn diện, trong khi đó tiến độ khẩn trương, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, yêu cầu về chất lượng cao nhằm khắc phục căn bản những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Nguyễn Đức Tâm cho biết, trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ KHĐT đề xuất 5 nhóm chính sách sửa đổi chính: Thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; Đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.
Trao đổi tại hội thảo, đại diện các địa phương đánh giá cao việc phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) do Bộ KHĐT xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình cho biết: "Để thuận lợi triển khai Luật Đầu tư công (sửa đổi), cơ quan soạn thảo cần ghi rõ việc phân cấp, phân quyền. Nếu trong các luật khác cũng có điều này thì áp dụng theo luật mới. Ví dụ như trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rất rõ thẩm quyền của từng cấp, nhưng nếu Luật Đầu tư công (sửa đổi) được triển khai thì có một số điều phải thay đổi. Do vậy, chúng ta quy định cụ thể hơn, luật nào ra đời sau thì áp dụng theo luật ra đời sau".
"Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp, tôi nghĩ phải rà soát lại thẩm quyền quyết định, chi tiết từng cấp", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình nêu quan điểm.
Đại diện Sở KHĐT tỉnh Quảng Ngãi đóng góp ý kiến, liên quan đến quy định thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh với dự án 2 huyện, 2 xã cần linh hoạt trong việc phân cấp, phân quyền.
Đại diện Sở KHĐT tỉnh Phú Yên cho biết: "Thực tiễn đầu tư công, chúng ta xây dựng kế hoạch trung hạn trong 5 năm nhưng thực tế việc xác định nguồn lực, ví dụ như tiền sử dụng đất giảm thu, phải cắt giảm nguồn vốn cho dự án. Nếu không có vốn nữa thì phải kéo dài thời gian bố trí vốn ra, nên xảy ra việc một số dự án đã chuẩn bị rồi nhưng chưa thể bố trí vốn, bị chậm lại, hoặc một số phải dừng hẳn luôn. Đối với Phú Yên đang gặp những vấn đề như vậy, chúng ta nên có mục thủ tục để dừng lại những dự án mà chúng ta không thể triển khai".
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết, Bộ KHĐT sẽ nghiêm túc tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu các ý kiến của các địa phương để hoàn thiện dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong thực hiện sau khi được Quốc hội thông qua.