Dự thảo Luật Đường bộ chưa đề cập đến chính sách giảm phát thải khí carbon và metan

Tại phiên thảo luận về Dự án Luật Đường bộ, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) bày tỏ quan tâm đến các chính sách nhằm giảm phát thải khí carbon và khí metan.

Theo Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, chính sách phát triển đường bộ quy định tại Điều 5 chưa đề cập đến các chính sách phát triển phương tiện giao thông và hạ tầng giao thông đường bộ phù hợp với định hướng giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành Giao thông vận tải.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một khoản vào Điều 5. Theo đó, ưu tiên thu hút các nguồn lực cho đầu tư sản xuất lắp ráp phương tiện giao thông đường bộ, trang thiết bị hệ thống hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện năng lượng xanh phù hợp với lộ trình giảm phát thải kính nhà kính và chuyển đổi năng lượng quốc gia.

Về khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên trong xây dựng hạ tầng đường bộ quy định tại Điều 48, Điều 49, đại biểu cho biết, thực tế hiện nay nước ta đang có nhu cầu nhất lớn rất lớn về vật liệu xây dựng phục vụ đắp nền đường các dự án cao tốc, cũng như dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Đại biểu kiến nghị bổ sung một tại Điều 48, Điều 49 của dự thảo luật nội dung: khuyến khích nghiên cứu ứng dụng các loại vật liệu mới thân thiện với môi trường nhằm thay thế các loại vật liệu truyền thống như các sỏi đá… đảm bảo việc sử dụng tiết kiệm hiệu quả các loại tài nguyên thiên nhiên giảm thiểu ô nhiễm môi trường sạt lở bờ sông, hạ thấp đáy sông, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Về đầu tư xây dựng, bảo trì, vận hành khai thác công trình đường bộ quy định tại mục 4 Chương 2, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị bổ sung vào Điều 32 của dự thảo luật nội dung: chất thải phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cải tạo công trình đường bộ phải được phân loại thu gom vận chuyển xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường việc quy hoạch địa điểm tổ chức thải từ hoạt động xây dựng phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ môi trường…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề năng lượng xanh, Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) cho rằng cần ưu tiên phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe điện

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho biết, về chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ, cần bổ sung quy định về ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe điện. Hiện nay đã hình thành loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe điện, dự báo loại hình này sẽ phát triển trong thời gian tới.

Đại biểu đề nghị cần có chính sách ưu tiên để phát triển thành phương tiện phổ thông, phù hợp với xu thế chung của thế giới, góp phần phát triển giao thông xanh, bảo vệ môi trường.

Về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông quá khổ, quá tải đường bộ trái quy định. Việc bổ sung quy định này sẽ góp phần bảo vệ tốt công trình đường bộ và bảo đảm an toàn giao thông.

Cùng với đó, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật đề cập một trong các nguyên tắc hoạt động đường bộ là thân thiện môi trường. Tuy nhiên, trong dự thảo luật mới chỉ đề cập tới phương tiện đường bộ sử dụng động cơ điện mà chưa đề cập tới phương tiện đường bộ sử dụng động cơ khí CNG, LNG, sau này là hydro. Đây đều được coi là phương tiện đường bộ sử dụng động cơ thân thiện môi trường. Theo đó, đại biểu đề nghị cần rà soát, thay thế cụm từ “trạm sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện” thành “trạm sạc/nạp cho phương tiện đường bộ sử dụng động cơ thân thiện với môi trường” trong toàn bộ dự thảo Luật.

Hải Minh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/du-thao-luat-duong-bo-chua-de-cap-den-chinh-sach-giam-phat-thai-khi-carbon-va-metan-700179.html