Dự thảo Luật Giáo viên: Kỳ vọng thầy cô giáo có thể đủ sống nhờ lương

Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ dự thảo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, trong Dự thảo này Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 5 nhóm chính sách chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đó, nhóm chính sách liên quan đãi ngộ, tôn vinh Nhà giáo được giáo viên, dư luận quan tâm bởi có bổ sung quy định về tiền lương, phụ cấp đối với thầy cô. Ghi nhận tại TP.Hồ Chí Minh.

Anh Nguyễn Huỳnh Duy Lâm vừa về nhận công tác tại trường THPT Nguyễn Du,

TP.Hồ Chí Minh

với vị trí trợ lí thanh niên gần 1 tháng nay. Theo kế hoạch, sang tháng 11 anh sẽ đứng lớp và phụ trách môn Địa Lý. Vậy là ước mơ trở thành giáo viên đã thành hiện thực. Nhẩm tính, giáo viên trẻ như anh, thu nhập mỗi tháng vỏn vẹn 4-5 triệu đồng, đã tính luôn phụ cấp. Từng đó không đủ với mức sống ở TP.Hồ Chí Minh, huống hồ, mỗi ngày anh Lâm phải vượt hàng chục cây số từ Củ Chi đến trường và ngược lại.

Anh NGUYỄN HUỲNH DUY LÂM - Trợ lí thanh niên trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM:"Lương cơ bản của mình là 1.490.000 nhân với hệ số 2,34 rồi thêm phụ cấp 30%, tính ra không có cao, tầm vài triệu thôi. Mà mức sống ở TP. Hồ Chí Minh này thì cao quá… Không đủ để sinh hoạt, trang trải cuộc sống."

Phấn đấu gần 30 năm trong nghề, mức lương của cô Nguyễn Thị Bích Hiền mới tạm đủ sống. Biết thông tin Bộ Giáo dục Đào tạo trình Chính phủ Dự thảo đề xuất Luật Nhà giáo, cô vô cùng phấn khởi, không chỉ cho riêng bản thân, mà còn cho những đồng nghiệp khác, nhất là những đồng nghiệp trẻ.

Cô NGUYỄN THỊ BÍCH HIỀN - Giáo viên trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TPHCM: "Cũng mong là cải thiện được chế độ tiền lương, để có thể thu hút các em thi tuyển vào trường, bởi ở các trường thì còn thiếu giáo viên rất nhiều để em có thể yên tâm theo nghề."

Thầy HÀ BẢO TÂM - Giáo viên trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM:"Chính vì tiền lương của nghề giáo còn quá thấp so với mức sống ở

TP.Hồ Chí Minh

nên nhiều giáo viên phải đi làm thêm những công việc khác nữa. Dẫn đến việc đâu tư cho giảng dạy không được tốt."

Một Luật riêng quy định rõ về trách nhiệm, quyền lợi mà trọng tâm là chính sách về đãi ngộ, tôn vinh Nhà giáo là cần thiết. Từ đây, vị thế nhà giáo được nâng lên, việc tuyển dụng người tài được kỳ vọng sẽ thay đổi tích cực. Đây là điều mà rất nhiều giáo viên mong chờ.

Anh NGUYỄN HUỲNH DUY LÂM - Trợ lí thanh niên trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM: “Mình nên xây dựng cơ chế đặc thù cho ngành giáo dục để nhà giáo có thể sống bằng lương giáo viên, họ tập trung sáng tạo, sáng kiến và tập trung giảng dạy để nâng cao chất lượng đạo tạo."

Sẽ có gần 3 năm tính từ khi Dự thảo đề xuất trình chính phủ, cho đến lúc được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Từng ấy thời gian, với nhiều ý kiến đóng góp của đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, các cơ quan có thẩm quyền, Luật Nhà giáo được kỳ vọng có thể giải quyết được những tồn tại của ngành Giáo dục suốt nhiều năm qua. Đặc biệt, góp phần nâng cao vị thế của giáo viên.

Thực hiện : Hải Triều Nguyễn Trình

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/du-thao-luat-giao-vien-ky-vong-thay-co-giao-co-the-du-song-nho-luong