Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi): Tiếp tục rà soát, bảo đảm đồng bộ với luật liên quan
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, sáng 24.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Trước khi bắt đầu phiên họp sáng nay, thay mặt Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại ngõ 119 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội rạng sáng nay; đồng thời đề nghị Bộ Công an, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo nhanh chóng khắc phục hậu quả, dành mọi ưu tiên cao nhất để cứu chữa người bị thương, giúp đỡ gia đình người bị nạn.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, các cơ quan tăng cường chỉ đạo với công tác phòng cháy, chữa cháy trên cả nước; hướng dẫn và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao cảnh giác, ứng phó kịp thời, không để xảy ra cháy nổ.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ
Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương với 65 điều, đã bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án Luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ.
Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (khoản 4 Điều 10 của dự thảo Luật), đồng thời chỉnh lý quy định tại Điều 18 về cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước để bảo đảm tính thống nhất. Và, quy định tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam; đối với tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các hội, tổ chức xã hội khác là tài liệu lưu trữ tư, thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam như thể hiện tạiđiểm d khoản 3, khoản 4 Điều 9 và một số điều có liên quan của dự thảo Luật.
Về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 5 năm, nhưng tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số (khoản 3 Điều 17 của dự thảo Luật).
Đối với các tài liệu cần sử dụng thường xuyên do đặc thù hoạt động của các cơ quan, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tài liệu lưu trữ của ngành quốc phòng, công an, Bộ Ngoại giao do các Bộ trực tiếp quản lý (khoản 3 Điều 10) và tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của một số lĩnh vực chuyên ngành thì thực hiện theo quy định của luật chuyên ngành có liên quan nhưng phải nộp vào lưu trữ lịch sử trong thời hạn tối đa là 30 năm kể từ năm nộp vào lưu trữ hiện hành (khoản 3 Điều 17). Tài liệu chứa bí mật nhà nước chỉ được nộp vào lưu trữ lịch sử sau khi đã được giải mật (khoản 6 Điều 17).
Qua rà soát cho thấy, một số luật hiện hành có quy định đặc thù về lưu trữ liên quan đến chế độ bảo quản, thời hạn lưu trữ, cấp bản sao; nếu bãi bỏ quy định về lưu trữ tại các luật này để thực hiện thống nhất theo quy định Luật Lưu trữ thì sẽ không phù hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động lưu trữ của một số Bộ, ngành và khó bảo đảm tính khả thi.
Do vậy, để bảo đảm hoạt động lưu trữ tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam phù hợp với nguyên tắc của hoạt động lưu trữ theo quy định của Luật Lưu trữ, đồng thời cũng phù hợp với hoạt động lưu trữ tài liệu của một số ngành, lĩnh vực đặc thù, dự thảo Luật đã được bổ sung quy định về áp dụng Luật Lưu trữ và pháp luật có liên quan.
Thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu chuyên ngành do Bộ chuyên ngành quy định
Cho ý kiến về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đánh giá cao Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy lần này.
Tại dự thảo Luật quy định bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ.
Tán thành với quy định nêu trên, song ĐBQH Nguyễn Tuấn Thịnh (Hà Nội) băn khoăn với quy định “phải có ý kiến của Bộ Nội vụ”. Bởi, Bộ Nội vụ khó có thể có đủ nhân lực để nắm bắt được các đặc thù quản lý nhà nước của mỗi bộ, ngành để cho ý kiến, trong khi cũng cần có quy định đề cao tính tự chịu trách nhiệm của các bộ, ngành.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đề nghị, cần quy định theo hướng các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước phải ban hành quy định; sau đó gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp, theo dõi và giám sát việc thực hiện.
Tại điểm b, khoản 4 Điều 56 của dự thảo Luật quy định, người đang chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ không được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ. ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, quy định này chưa thống nhất với khoản 3, Điều 2, Luật Xử lý vi phạm hành chính; đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 56 để phù hợp với pháp luật liên quan.
Để bảo đảm tính thống nhất với Luật Giao dịch điện tử sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2024, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho rằng, cần cân nhắc sửa đổi quy định về khái niệm tài liệu lưu trữ điện tử khác tại dự thảo Luật để phù hợp với các khái niệm đã được giải thích trong Luật Giao dịch điện tử như thông điệp dữ liệu, phương tiện điện tử, bảo đảm tính toàn vẹn.
Tại khoản 2, Điều 37 quy định tài liệu lưu trữ điện tử khác được chuyển đổi sang tài liệu lưu trữ số để bảo đảm tính xác thực lâu dài, thuận tiện cho quá trình quản lý, sử dụng và phát huy giá trị. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị, cần cân nhắc bỏ Khoản 2, Điều 37 này để bảo đảm thống nhất với Luật Giao dịch điện tử.
Bởi, về bản chất lưu trữ tài liệu lưu trữ điện tử khác là lưu trữ thông điệp dữ liệu. Luật Giao dịch điện tử đã quy định về thông điệp dữ liệu với các nội dung cụ thể về hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu, giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu, hình thức lưu trữ thông điệp dữ liệu, gửi nhận thông điệp dữ liệu.
Như vậy, thông điệp dữ liệu tự bản thân nó đã bảo đảm tính xác thực, lâu dài, thuận tiện cho quá trình quản lý, sử dụng và phát huy giá trị khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Luật Giao dịch điện tử.
“Đồng thời, cũng cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong việc quy định về chuyển đổi giữa tài liệu lưu trữ giấy được chuyển đổi từ loại tài liệu lưu trữ số (Điều 29) và quy định bản số hóa tài liệu (Điều 34 của dự thảo Luật Lưu trữ sửa đổi) với Điều 12 về chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu quy định tại Luật Giao dịch điện tử. Bởi, tài liệu lưu trữ số là thông điệp dữ liệu, nên nếu việc quy định về chuyển đổi trong hai luật này mà không thống nhất thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ không biết tuân thủ theo quy định của luật nào”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị.
Tại phiên họp, các ĐBQH cũng cho ý kiến về hoạt động dịch vụ lưu trữ; chứng chỉ hành nghề lưu trữ; tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài liệu lưu trữ tư...
Thay mặt cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý của ĐBQH.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận trên cơ sở gỡ băng ghi âm để các cơ quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, giải trình chi tiết ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo Luật theo đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bảo đảm có chất lượng cao nhất.