Dự thảo Luật Quy hoạch
Bộ Tài chính đang dự thảo Luật Quy hoạch (sửa đổi).

Xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước
Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu của việc dự thảo Luật Quy hoạch (sửa đổi) nhằm xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước; hệ thống pháp luật về quy hoạch được xây dựng đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan để quy hoạch thực sự là công cụ hiệu quả của Nhà nước trong việc hoạch định và kiến tạo không gian phát triển, tận dụng tối đa các cơ hội và khắc phục được những khó khăn, hạn chế trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Hoàn thiện phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch
Nhằm thực hiện chủ trương đã được đề ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và hoàn thiện hệ thống quy hoạch (hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) để làm rõ vị trí, vai trò, mối quan hệ giữa các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch; là cơ sở để xử lý mâu thuẫn giữa các quy hoạch và xác định loại quy hoạch là căn cứ để đánh giá sự phù hợp của dự án, tại dự thảo Luật Quy hoạch, Bộ Tài chính đề xuất các quy định sau:
Sửa đổi quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch theo hướng Luật điều chỉnh cả quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Sửa đổi quy định về khái niệm các quy hoạch tại Điều 3 dự thảo Luật để làm rõ đối tượng của hoạt động quy hoạch; sự khác nhau về mức độ chi tiết giữa các loại quy hoạch và vai trò của từng loại quy hoạch.
Quy định tại Điều 5 theo hướng bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch như sau:
Quy hoạch cấp quốc gia bao gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; Quy hoạch ngành quốc gia và Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cấp quốc gia.
Quy hoạch cấp vùng bao gồm: Quy hoạch vùng và Quy hoạch có tính chất kỹ thuật cấp vùng, liên tỉnh.
Chính phủ xác định vùng cần lập quy hoạch vùng.
Quy hoạch cấp tỉnh bao gồm: Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cấp tỉnh.
Quy hoạch cấp xã bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất cấp xã và Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Quy định tại Điều 6 và Điều 7 về mối quan hệ giữa quy hoạch và việc xử lý mâu thuẫn giữa các quy hoạch theo hướng:
Quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Quy hoạch ngành cấp quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch vùng.
Quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Quy hoạch ngành cấp vùng phải phù hợp với quy hoạch ngành cấp quốc gia mà quy hoạch đó cụ thể hóa quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Luật này và quy hoạch vùng.
Quy hoạch tỉnh phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch cấp vùng.
Quy hoạch ngành cấp tỉnh phải phù hợp với quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng mà quy hoạch đó cụ thể hóa quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Luật này và quy hoạch tỉnh.
Quy hoạch cấp xã phải phù hợp với quy hoạch cấp tỉnh.
Trong đó, dự thảo Luật Quy hoạch (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung những nội dung mang tính nguyên tắc chung đối với quy hoạch ngành cấp vùng, quy hoạch ngành cấp tỉnh và quy hoạch cấp xã như sau: Yêu cầu, nguyên tắc chung cho hoạt động quy hoạch; cấp độ và loại quy hoạch; mối quan hệ với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; yêu cầu chung về quy hoạch; hồ sơ quy hoạch; việc công bố quy hoạch; lưu trữ và chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu quy hoạch.
Các luật chuyên ngành sẽ quy định chi tiết, cụ thể về lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và nội dung quy hoạch cấp vùng, quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch cấp xã.
Bên cạnh đó, để khắc phục chồng lấn về nội dung giữa các quy hoạch trong danh mục quy hoạch ngành quốc gia, danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; bãi bỏ các quy hoạch không cần thiết; bổ sung các quy hoạch cần thiết bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về quy hoạch, Bộ Tài chính đã rà soát, tinh gọn danh mục các quy hoạch ngành quốc gia, danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo hướng:
Hợp nhất các quy hoạch có nội dung liên quan chặt chẽ hoặc chồng lấn với nhau (như hợp nhất quy hoạch tài nguyên nước với quy hoạch thủy lợi, quy hoạch đê điều với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê...).
Rà soát bảo đảm không có sự trùng lặp về nội dung giữa các quy hoạch cùng cấp hoặc giữa các cấp quy hoạch.
Rà soát, nghiên cứu, bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (trường hợp thấy cần thiết) ở cấp tỉnh bảo đảm phù hợp với các quy định mới về phân cấp, phân quyền và xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp.
Theo đó, dự thảo Luật đã xác định 15 quy hoạch ngành cấp vùng; 4 quy hoạch ngành cấp tỉnh tại Phụ lục của Luật theo hướng cụ thể: (i) Pháp luật quy định chi tiết lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch ngành cấp vùng; quy hoạch ngành cấp tỉnh; (ii) Xác định cụ thể quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh mà quy hoạch ngành cấp vùng; quy hoạch ngành cấp tỉnh cụ thể hóa.
Phân cấp, phân quyền trong hoạt động quy hoạch
Để tăng cường tính tự chủ, chủ động của các cấp, các ngành trong hoạt động quy hoạch để bảo đảm bám sát thực tiễn của ngành, lĩnh vực và địa phương và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn, dự thảo Luật đã đề xuất quy định thẩm quyền quyết định và phê duyệt quy hoạch tại Điều 35 như sau:
Phân cấp từ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng.
Phân cấp từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch ngành cấp vùng.
Phân cấp từ Thủ tướng Chính phủ cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành cấp tỉnh.
Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cấp xã được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Việc phân cấp nói trên bảo đảm vai trò kiểm soát, điều phối của Trung ương với địa phương sau khi đã phân cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tỉnh từ Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Để bảo đảm công tác hậu kiểm và bảo đảm chất lượng, nội dung quy hoạch; kịp thời phát hiện các nội dung chồng lấn, mâu thuẫn; hạn chế điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, làm phá vỡ không gian phát triển quốc gia và lãng phí nguồn lực; quy định chế tài xử lý nếu hậu kiểm phát hiện sai phạm, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan sau khi đã phân cấp thẩm quyền quyết định và phê duyệt quy hoạch từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, dự thảo Luật đề xuất bổ sung quy định hoạt động giám sát, kiểm tra là hoạt động quản lý nhà nước về quy hoạch.
Đơn giản hóa quy trình, thủ tục và hoàn thiện nội dung quy hoạch
Để giảm bớt khâu trung gian và rút ngắn thời gian thực hiện quy trình thủ tục của hoạt động quy hoạch, dự thảo Luật đã đề xuất các quy định sau:
Bổ sung quy định tại Điều 20 dự thảo Luật cho phép các quy hoạch được lập đồng thời.
Rà soát quy trình lập, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch để cắt giảm các khâu trung gian, bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, cụ thể như sau:
Chuyển thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch sang hình thức đề cương lập quy hoạch tại Điều 16 dự thảo Luật với nội dung được đơn giản hóa và do cơ quan phê duyệt quy hoạch tự tổ chức lập và phê duyệt để bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện; không phải thực hiện thẩm định. Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Không quy định cụ thể thành phần hội đồng và hình thức họp của Hội đồng thẩm định quy hoạch và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đơn giản hóa thủ tục điều chỉnh quy hoạch: (i) Bỏ quy định xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch ở cả 2 hình thức điều chỉnh thông thường và điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn; (ii) đối với điều chỉnh quy hoạch theo trình tự thông thường, chủ tịch hội đồng thẩm định được quyết định hình thức họp hội đồng thẩm định (có thể họp hội đồng hoặc lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản); (iii) Đối với điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn không cần phải thực hiện thủ tục thẩm định điều chỉnh quy hoạch.
Sửa đổi quy định về căn cứ điều chỉnh quy hoạch theo hướng để bảo đảm tính khả thi, phân biệt rõ hơn căn cứ điều chỉnh quy hoạch theo trình tự thông thường với điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn để bảo đảm tính chặt chẽ khi thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đã được phân cấp triệt để.
Bỏ quy định về kế hoạch thực hiện quy hoạch để tránh việc kế hoạch hóa hoạt động quản lý và trùng lặp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch ngân sách...; việc triển khai thực hiện quy hoạch được thay thế bằng chương trình thực hiện quy hoạch là văn bản để các cơ quan quản lý phân công nhiệm vụ, điều phối các hoạt động cụ thể và thời gian triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch để tăng tính linh hoạt trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch. Nội dung, trình tự, thủ tục ban hành chương trình hành động thực hiện quy hoạch sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.
Hoàn thiện nội dung quy hoạch
Để xác định rõ nội dung, mức độ chi tiết giữa các loại quy hoạch làm cơ sở để xác định mối quan hệ giữa các quy hoạch, việc xử lý trường hợp quy hoạch có mâu thuẫn và việc xác định quy hoạch là căn cứ để đánh giá sự phù hợp của dự án, Bộ Tài chính đã đề xuất tại dự thảo Luật các nội dung sau:
Hoàn thiện nội dung quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo hướng mang tính định hướng, chiến lược, bỏ quy định về Danh mục dự án trong quy hoạch để bảo đảm linh hoạt trong tổ chức thực hiện từ Điều 26 đến Điều 31 dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Bảo đảm sự đồng bộ về nội dung, mức độ chi tiết của quy hoạch với việc phân cấp, phân quyền phê duyệt quy hoạch.
Làm rõ hơn sự khác nhau về mức độ chi tiết của các quy hoạch làm cơ sở để xử lý trường hợp quy hoạch có mâu thuẫn và việc đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch
Để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ, thống nhất về đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch; hạn chế tối đa việc phát sinh quy trình, thủ tục điều chỉnh các loại quy hoạch để bổ sung dự án làm kéo dài thời gian, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả đầu tư; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, thành phần kinh tế tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, dự thảo Luật đã đề xuất bổ sung các quy định sau:
Xác định rõ phạm vi, nội dung đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch; làm rõ loại quy hoạch là căn cứ để đánh giá sự phù hợp của dự án.
Làm rõ việc đánh giá sự phù hợp của dự án căn cứ vào văn bản quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch; tính pháp lý của hồ sơ quy hoạch.
Có giải pháp xử lý phù hợp trong trường hợp dự án không có trong quy hoạch, nhưng mục tiêu của dự án phù hợp với mục tiêu, định hướng của quy hoạch đã được phê duyệt.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/du-thao-luat-quy-hoach-102250728173346719.htm