Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi: Thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục có bị 'chồng chéo'?
Cần hạn chế thanh tra, kiểm tra dày đặc, thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục có bị chồng chéo; nên hay không nên duy trì thanh tra huyện... là những nội dung được tập trung thảo luận tại buổi thẩm tra Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tổ chức tại TP.Đà Nẵng vào sáng 28/4.
Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với 5 nhóm quan điểm, nguyên tắc xây dựng luật trong tờ trình của Chính phủ. Về hệ thống thanh tra theo cấp hành chính như luật hiện hành gồm thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc nên hay không nên tiếp tục duy trì thanh tra huyện.
Bà NGUYỄN THỊ KIM THÚY, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: " Cá nhân tôi tán thành phương án 2. Tôi nghĩ rằng làm sao phải đảm bảo nguyên tắc khoa học, chính xác và hiệu quả. Dù thanh tra huyện có tồn tại lâu đi chăng nữa nhưng trong báo cáo tổng kết là đã chỉ rõ “không có nhiều nhu cầu thanh tra”. Không có nhiều nhu cầu thanh tra thì biên chế ít là đúng rồi, biên chế nhiều để làm gì? Chúng ta phải tính từ thực tiễn chứ không phải là vấn đề chính trị không."
Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, dự thảo chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không những chưa làm rõ các tiêu chí cụ thể mà còn mở rộng thêm cả trường hợp thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ với lý do là “theo yêu cầu quản lý”.
Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội: “Vấn đề ở đây không phải là 2 anh có vào thanh tra cùng 1 lúc hay không, mà phải nhìn từ tổ chức bộ máy có chồng chéo chức năng nhiệm vụ hay không? Vì trong 1 Bộ (Tổng cục cũng thuộc Bộ) lại có 2 cơ quan thanh tra chuyên ngành, cùng thanh tra về 1 loại việc thì nó có phù hợp không, có chồng chéo không?”
Từ thực trạng “hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng bị thanh tra, kiểm tra”, Chính phủ đã đưa vào nhiều quy định nhằm khắc phục, cụ thể như: sửa đổi khái niệm thanh tra Nhà nước; xây dựng, ban hành định hướng chương trình thanh tra hằng năm, kế hoạch thanh tra; bổ sung các nguyên tắc xử lý trùng lặp, chồng chéo; quy định việc thu thập, thông tin, tài liệu trong chuẩn bị thanh tra; phối hợp hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra.
Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản tán thành các nội dung này. Đặc biệt, dự thảo lược bỏ hình thức “thanh tra thường xuyên”, chỉ giữ lại hình thức “thanh tra theo kế hoạch” và “thanh tra đột xuất” nhằm khắc phục tình trạng “chồng chéo, trùng lặp” dẫn đến lạm dụng, khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra.
Thực hiện : Mỹ Phượng Lê Quang