Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Bổ sung cấp chính quyền thành phố trực thuộc TP Hà Nội

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, về mô hình tổ chức trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là thực hiện mô hình tổ chức chính quyền TP Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức Hội đồng nhân dân phường) và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc TP Hà Nội.

Cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi)

Sáng 20/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội dự và điều hành phiên họp.

Tham dự phiên họp còn có: Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện các bộ, ngành có liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Công an…

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên các quan điểm chỉ đạo về: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013…

Đồng thời, bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm những vấn đề đang đặt ra đối với Thủ đô mà chưa được các dự án Luật này xử lý hoặc nội dung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô thì quy định tại Luật Thủ đô.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Về quá trình soạn thảo dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, các bộ, ngành và các địa phương liên quan tổng kết thi hành Luật Thủ đô 2012, rà soát, lập đề nghị và soạn thảo dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các quy định của dự thảo Luật được Bộ Tư pháp tổng hợp, xây dựng và hoàn thiện dựa trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, ý kiến thảo luận của Thường trực Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến kết luận của của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy Hà Nội theo Thông báo số 1955/TB-VPQH ngày 14/8/2023 của Văn phòng Quốc hội…

Mục tiêu xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật được bố cục thành 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Theo đó, về mô hình tổ chức: Thực hiện mô hình tổ chức chính quyền TP Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức Hội đồng nhân dân phường) và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc TP Hà Nội. Đồng thời, tăng cường năng lực của Hội đồng nhân dân Thành phố trên cơ sở kế thừa, bổ sung Nghị quyết số 160/2021/QH14 (Tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, tỷ lệ đại biểu chuyên trách, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương...).

 Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Về chế độ công vụ; cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô: Để góp phần chuẩn hóa, tăng tính liên thông và chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền các cấp, Điều 16 dự thảo Luật quy định cán bộ, công chức được quản lý thống nhất từ cấp xã đến cấp thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức không phân biệt ở các cấp chính quyền.

Về phát triển văn hóa, giáo dục và an sinh xã hội Thủ đô: Với mục tiêu xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, tạo lập môi trường văn hóa văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống ngàn năm văn hiến, trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế, dự thảo Luật quy định các cơ chế để phát triển văn hóa, giáo dục.

Trong đó, có một số cơ chế nổi bật như sau: Xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong 6 lĩnh vực (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa); Cho phép cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài; phân quyền cho Hội đồng nhân dân TP Hà Nội quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, nhiều cấp học.

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-thao-luat-thu-do-sua-doi-bo-sung-cap-chinh-quyen-thanh-pho-truc-thuoc-tp-ha-noi-post265388.html