Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cụ thể hóa các quy định trong dự thảo Luật đối với 24 vấn đề

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, trong đó xác định việc: 'Đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững' là nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)…

Ngành Du lịch Hà Nội lần đầu tổ chức diễu hành áo dài xe đạp nhằm hướng tới kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh 2/9. Ảnh: Khánh Huy

Ngành Du lịch Hà Nội lần đầu tổ chức diễu hành áo dài xe đạp nhằm hướng tới kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh 2/9. Ảnh: Khánh Huy

Dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, tháng 10/2023

Theo đó, từ năm 2022 đến nay, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND TP phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), tiến hành thẩm định và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023.

Theo đó, việc xây dựng dự án Luật được dự kiến trình Quốc hội tại 2 kỳ họp, kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023) Quốc hội sẽ nghe, cho ý kiến về dự thảo Luật và sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024).

Ngay sau khi trình Chính phủ, UBND TP và Bộ Tư pháp đã chủ động bắt tay vào công tác xây dựng dự thảo Luật. Bộ Tư pháp đã chủ động thành lập tổ công tác nghiên cứu, soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và ban hành Kế hoạch tổ chức nghiên cứu, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Tổ nghiên cứu, soạn thảo Luật đã xây dựng sơ bộ dự thảo Luật để bước đầu thể chế hóa các chính sách được phê duyệt.

UBND TP tổ chức triển khai việc lấy kiến góp ý của các Sở, ban, ngành UBND các quận, huyện, thị xã, tổ chức nhiều hội nghị góp ý vào dự thảo Luật theo các chuyên đề cụ thể với sự tham gia của các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành Thành phố, chuyên gia, nhà khoa học để sớm nghiên cứu, chủ động xây dựng dự thảo Luật theo các chính sách đã được Chính phủ thông qua. Dự thảo Luật Thủ đô đã được báo cáo xin ý kiến Thành ủy tại Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố.

Bộ Tư pháp báo cáo xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và đã ban hành quyết định hành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo Luật; đã ban hành Quyết định số 770/QĐ-BTP ngày 22/5/2023 về Kế hoạch soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ban Soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tổ chức 2 cuộc họp để cho ý kiến về quy trình, nhiệm vụ triển khai xây dựng Luật và một số nội dung, bố cục của dự thảo Luật.

Triển khai nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến

Từ tháng 5/2023 đến nay, UBND TP phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các thành viên Tổ biên tập, các Sở, ngành, chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô.

Ngày 9/6/2023, Bộ Tư pháp đã thực hiện việc đăng tải dự thảo Luật tại cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức và Nhân dân.

UBND TP phối hợp với Ban Soạn thảo dự án Luật tổ chức các hội thảo góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đặc biệt ở một số nội dung quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, làm rõ, cụ thể hóa các quy định của dự thảo Luật hiện đang chưa rõ, chưa cụ thể và còn có nhiều ý kiến khác nhau; đã ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ngành TP nghiên cứu, bổ sung nội dung giải trình, bổ sung làm rõ, cụ thể hóa các quy định trong dự thảo Luật đối với 24 vấn đề; đồng thời, đã ban hành Kế hoạch số 180/KH-UBND tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, Nhân dân trên địa bàn TP vào dự thảo Luật để chỉ đạo các cấp, các ngành TP triển khai thực hiện.

Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban Tuyên giao, UBND TP ban hành, tổ chức triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền về xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều hoạt động trên phát thanh truyền hình, tin bài trên các báo Trung ương và TP, tập trung vào việc tuyên truyền các chính sách đặc thù, vượt trội, các hoạt động của Trung ương, TP trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo Luật nhằm tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành và Nhân dân, thu hút sự quan tâm, tham gia vào cuộc để đóng góp xây dựng dự thảo Luật.

Cùng với việc tổng kết thi hành Luật Thủ đô, Thành ủy cũng đã chỉ đạo sơ kết, đánh giá việc thi hành Nghị quyết 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội; từ đó, đã đánh giá, lựa chọn nhưng cơ chế, chính sách thí điểm tại các Nghị quyết của Quốc hội đưa vào chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/du-thao-luat-thu-do-sua-doi-cu-the-hoa-cac-quy-dinh-trong-du-thao-luat-doi-voi-24-van-de-350834.html