DỰ THẢO LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI): DUY TRÌ HAY BỎ QUỸ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH?

Cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề pháp luật của UBTVQH, quy định về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ phía cơ quan thẩm tra và đại biểu. Bên cạnh ý kiến thống nhất duy trì Quỹ như dự thảo luật hiện hành, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tế; có ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ nếu cơ quan soạn thảo không luật hóa cụ thể về mô hình tổ chức, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ chi của Quỹ.

Tờ trình của Chính phủ về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam (tại Điều 34 của dự thảo luật) nêu rõ: dự thảo Luật kế thừa các quy định của Luật hiện hành về việc duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam vì thực tế trong giai đoạn tới, để hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng phổ cập, thành hạ tầng của nền kinh tế - xã hội phục vụ mục tiêu chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số, xã hội số cần một nguồn kinh phí rất lớn để phát triển và duy trì hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà ngân sách nhà nước khó đảm đương.

Về bản chất, thông qua cơ chế đóng góp và sử dụng nguồn tài chính từ Quỹ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng được hưởng lợi, doanh thu sẽ tăng khi đời sống của người dân ở vùng sâu vùng xa được cải thiện, nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông của người dân ngày càng cao.

Để khắc phục những bất cập của việc triển khai hoạt động của Quỹ trong giai đoạn trước, các chương trình viễn thông công ích giai đoạn sau sẽ xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của Quỹ, các quy định về đóng góp và giải ngân thực hiện theo nguyên tắc thu và chi tương ứng, chưa có nhiệm vụ chi thì không thu để tránh tồn dư Quỹ.

Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đối với nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang có 02 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất: Những kết quả, mặt tích cực của mục tiêu Quỹ trong thời gian qua là hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích để bảo đảm tính linh hoạt và kịp thời trong việc triển khai các hoạt động viễn thông công ích ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quỹ này giúp giảm bớt sự chênh lệch về khoảng cách số giữa các vùng miền; đáp ứng cam kết của Việt Nam về quản lý nhà nước dịch vụ viễn thông công ích khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007; đồng thời phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới. Vì vậy, đề nghị cần thiết phải duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị cần đánh giá đầy đủ về các khoản đóng góp vào Quỹ và các nhiệm vụ chi của Quỹ. Khoản đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích là một khoản thu có tính chất bắt buộc, mang tính chất “thuế” bổ sung trên doanh thu đối với các doanh nghiệp viễn thông. Một số nhiệm vụ chi của Quỹ còn trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, như chi hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ viễn thông công ích; chi thực hiện một số dự án công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông của các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng...

Tổng nguồn thu của Quỹ lớn nhưng chi sử dụng cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ rất thấp, chủ yếu là chi cho đảm bảo bộ máy. Hơn nữa, việc đề ra cơ chế thu dẫn đến tồn Quỹ lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn thiếu hụt và phải điều tiết nguồn thu của Quỹ về ngân sách nhà nước là chưa phù hợp. Hiện nay, dịch vụ viễn thông cơ bản phủ sóng rộng khắp; việc đóng góp Quỹ được áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp viễn thông có thu nhập, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, mới hoạt động có lãi sẽ là chưa thỏa đáng trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn. Đồng thời, thủ tục thanh quyết toán đối với các nhiệm vụ chi này cũng có những khó khăn. Vì vậy, đề nghị xem xét, cân nhắc bỏ Quỹ này.

Căn cứ vào kết quả của các cuộc khảo sát thực tế tại địa phương về các hoạt động viễn thông công ích, phân tích, đánh giá 02 loại ý kiến trên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị tiếp tục duy trì Quỹ theo như đề nghị tại Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần cân nhắc để luật hóa các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện ổn định trong thời gian qua liên quan đến các nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể của Luật và tăng tính hiệu quả trong hoạt động của Quỹ này. Các quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ cần được rà soát, hoàn thiện để phù hợp với mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông “công ích” và các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đồng tình với sự cần thiết duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích trong dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đồng tình với sự cần thiết duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích trong dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

Thảo luận về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích quy định tại Chương III của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đồng tình với loại ý kiến thứ nhất, đề nghị cần thiết phải duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích như phân tích trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga lưu ý, để khắc phục những bất cập về quản lý, sử dụng quỹ trong thời gian qua, dự thảo luật cần cân nhắc để luật hóa các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quỹ và triển khai thực hiện ổn định trong thời gian qua liên quan đến nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ để đảm bảo tính minh bạch. Các quy định về tổ chức và hoạt động thủ quỹ cần rà soát, hoàn thiện để phù hợp với mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ, thực hiện chính sách của nhà nước cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và pháp luật về ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm ủng hộ loại ý kiến thứ 2 nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị cân nhắc, xem xét bỏ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Viễn thông năm 2009 đã đưa ra nhận định: Quỹ dịch vụ viễn thông công ích chưa đạt mục tiêu đề ra, hiệu quả hoạt động chưa cao, việc tổ chức thực hiện còn khó khăn. Số dư tính đến ngày 31/12/2020 là 5.145 tỷ đồng. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Chính phủ báo cáo đánh giá cụ thể hơn đến thời điểm hiện tại; bổ sung việc thực hiện giải ngân theo Quyết định 2269 ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cân nhắc, xem xét bỏ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cân nhắc, xem xét bỏ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Mặc dù Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Các chương trình viễn thông công ích giai đoạn sau sẽ xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của Quỹ, các quy định về đóng góp và giải ngân thực hiện theo nguyên tắc thu và chi tương ứng, chưa có nhiệm vụ chi thì không thu để tránh tồn dư Quỹ. Tuy nhiên, quy định về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích tại Chương III của dự thảo luật lại chưa thể hiện được định hướng này. Như vậy, sẽ không khắc phục được hạn chế trong việc sử dụng quỹ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng nêu thực tế sử dụng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích thời gian qua mới chủ yếu hỗ trợ sử dụng mạng viễn thông, các thiết bị đầu cuối mà chưa có sự hỗ trợ thực hiện xây dựng các công trình viễn thông. Nhất là tại các vùng núi, vùng dân tộc thiểu số miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đang thiếu công trình viễn thông, cụ thể là hạ tầng viễn thông, dẫn tới hạn chế trong cung cấp dịch vụ viễn thông cho đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, cân nhắc việc duy trì Quỹ để thực hiện đúng Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.

Cho ý kiến về tiếp tục duy trì hay cân nhắc bỏ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích trong dự thảo luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc, xem xét tính cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ.

Đại biểu cho rằng, hiện số dư của Quỹ lớn và chưa rõ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích thu từ phần đóng góp của doanh nghiệp để chi cho hoạt động nào vì mục tiêu công ích, giúp người dân, giúp nhà nước. Khoản đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích là khoản thu có tính chất bắt buộc, mang tính chất “thuế” bổ sung trên doanh thu đối với các doanh nghiệp viễn thông. Một số nhiệm vụ chi của Quỹ còn trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, như chi hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ viễn thông công ích; chi thực hiện một số dự án công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông.

Do vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu quan điểm, nếu giữ Quỹ dịch vụ này thì cần làm rõ Quỹ này do ai quản lý, có cơ chế quản lý thu chi rõ ràng, minh bạch, quy định rõ đối tượng chi, khi nào chi, ai chi, chi để làm gì, để đảm bảo minh bạch, rõ ràng trong vận hành Quỹ.

Phát biểu chỉ đạo về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm nếu giữ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích cần luật hóa cụ thể hơn về mô hình tổ chức, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể của Luật và tăng tính hiệu quả trong hoạt động của Quỹ.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình các ý kiến đại biểu nêu liên quan đến Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Theo đó, phần lớn các nước trên thế giới vẫn duy trì Quỹ phục vụ cho các hoạt động viễn thông vì mục tiêu công cộng; việc duy trì quỹ thông qua cơ chế đóng góp và sử dụng nguồn tài chính từ Quỹ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng được hưởng lợi, doanh thu sẽ tăng khi đời sống của người dân ở vùng sâu vùng xa được cải thiện, nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông của người dân ngày càng cao.

Sau khi hoàn thành phủ sóng 2G, mục tiêu tiếp theo cần phủ sóng 3G, 4G, 5G, thậm chí 6G, do vậy cần tiếp tục phải tiếp tục duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, trong đó thay đổi cách vận hành, giảm mức đóng góp của doanh nghiệp; đồng thời Chính phủ ban hành quy chế hoạch động của quỹ và kế hoạch 5 năm của Quỹ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Như vậy, qua thảo luận tại Phiên họp chuyên đề pháp luật cho ý kiến về dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi) vẫn còn ý kiến khác nhau về tiếp tục duy trì hay bỏ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích; vấn đề này tiếp tục được đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới./.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74856