Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhânChính sách cần cô đọng, nêu rõ những đột phá về phát triển kinh tế tư nhân
Để bảo đảm có thể trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân vào ngày 17/5 tới đây như dự kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cơ quan chức năng rà soát các quy định trong dự thảo Nghị quyết, bảo đảm cô đọng, nêu rõ những đột phá, điểm mới trong phát triển kinh tế tư nhân.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 14/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước
Trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 7 Chương và 17 Điều quy định về: quy định chung; cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học công nghệ, đối mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong; điều khoản thi hành.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; và đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nêu nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, để bảo đảm thể chế hóa kịp thời nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 68 - NQ/TW, dự thảo Nghị quyết quy định một số nguyên tắc trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, giải quyết quyết phá sản doanh nghiệp theo thủ tục rút gọn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Về nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh (Điều 5), dự thảo Nghị quyết quy định phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.
Đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự, dự thảo Nghị quyết quy định ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo. Không được áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố xét xử các vụ án.
Đồng thời, bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan ốt tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; tán thành với phạm vi điều chỉnh và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội như Chính phủ đề xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Hồ Long
Để tiếp tục nâng cao chất lượng và ý nghĩa dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm hiệu quả triển khai thực hiện chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Văn Mãi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng Nghị quyết số 68-NQ/TW để hoàn chỉnh các nội dung của dự thảo Nghị quyết.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, dự thảo nghị quyết khác cùng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín (như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu…) khẩn trương rà soát, nghiên cứu các nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/TW để thể chế hóa ngay tại các dự án luật, dự thảo nghị quyết này, và sớm có văn bản chính thức gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Đồng thời, chỉ đạo rà soát các nội dung khác có nội hàm, mục tiêu rõ ràng có thể cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2025 để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Chín; nghiên cứu đề xuất xây dựng pháp luật để kịp thời bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ Mười và định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho riêng các doanh nghiệp thuộc loại hình kinh tế tư nhân để bảo đảm tương thích với những điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tránh vi phạm nguyên tắc về “đối xử quốc gia” và cam kết về mua sắm công.
Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chính sách
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân là nội dung hết sức cấp bách trong Kỳ họp thứ Chín này để thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, ban hành ngày 4/5 vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc đang kìm hãm sự phát triển của lực lượng này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Trần Hồng Nguyên phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Bộ Tài chính, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, đã tham mưu Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ cũng chủ trì hai cuộc họp để bàn về các cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
Dù thời gian gấp, nhưng để bảo đảm có thể trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết vào ngày 17/5 tới đây như dự kiến, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan chức năng rà soát các quy định trong dự thảo Nghị quyết, bảo đảm cô đọng, nêu rõ những đột phá, điểm mới trong phát triển kinh tế tư nhân.
“Bước đầu là Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, nhưng, tiến tới, có thể đến năm 2026 sẽ xây dựng luật về kinh tế tư nhân một cách toàn diện hơn”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Nhất trí sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý 5 nhóm chính sách lớn cần tập trung quy định tại dự thảo Nghị quyết gồm: cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.
Trong xây dựng dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải thay đổi tư duy Nhà nước kiến tạo thay vì kiểm soát, là yêu cầu đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nhiều lần; tư duy điều hành cần chuyển từ "quản lý - kiểm soát" sang "kiến tạo - phục vụ". Nhà nước không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không can thiệp quá sâu vào vận hành của doanh nghiệp. Sự bảo đảm về pháp lý và hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo chính là cách Nhà nước đồng hành cùng tư nhân trên hành trình phát triển.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, việc bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện Nghị quyết là vấn đề hết sức quan trọng. Do đó, các chính sách về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tiền thuê lại đất cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ tài chính, tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; giảm nguồn thu ngân sách từ các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… đều đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn để thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, cần bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật, không chỉ các luật đã ban hành mà cả các luật đang sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín này. Một số cơ chế, chính sách đặc biệt tại dự thảo Nghị quyết về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, xử lý vi phạm hành chính, thanh tra, thuế thu nhập doanh nghiệp, đấu thầu, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo… Các luật này cũng đang được xem xét sửa đổi, bổ sung toàn diện hoặc một số điều, do đó, cần rà soát cụ thể bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần rà soát kỹ các đối tượng, điều kiện thụ hưởng chính sách, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chính sách trong thực tiễn. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, cần rút kinh nghiệm từ một số chính sách đã ban hành như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng thương mại (theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội) đạt kết quả rất thấp, không đi vào cuộc sống. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có tiêu chí xác định đối tượng cho vay chưa rõ ràng; đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách nhưng có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra...
Sau khi phát biểu tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu tài liệu trong tối hôm nay để sáng mai gửi lại cho Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết trình Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: Hồ Long
"Cơ quan thẩm tra vào cuộc quyết liệt hơn nữa, để khi thông qua và thực thi Nghị quyết sẽ được dư luận xã hội đồng thuận cao", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Từ kinh nghiệm cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, nên lựa chọn những chính sách đã chín, đã rõ, tương đối ổn định, có thể thực hiện được ngay, ít phải ban hành văn bản hướng dẫn; nếu không chọn lọc kỹ càng thì chính sách sẽ dàn trải, khó triển khai.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao sự phối hợp Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính với Bộ Tài chính, các cơ quan của Quốc hội cũng như cơ quan liên quan để hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của dự thảo Nghị quyết; Báo cáo thẩm tra sơ bộ có nhiều ý kiến rất kỹ lưỡng và xác đáng; hồ sơ của dự thảo Nghị quyết đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ Chín này.
Thống nhất với 5 nhóm chính sách được Chính phủ đề xuất đưa vào dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo chú ý lựa chọn những nội dung có thể thực hiện ngay, xây dựng khung chính sách cơ bản để Chính phủ tiếp tục hướng dẫn. “Những chính sách, nhóm chính sách tại dự thảo Nghị quyết này sẽ tạo thông điệp, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời là một bước thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.