Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư: Bám sát thực tế, bảo đảm tính khả thi
Quản lý, vận hành nhà chung cư: Cần mô hình phù hợp, hiệu quả
(HNM) - Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, trong đó vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là cho phép xây dựng căn hộ chung cư có diện tích tối thiểu 25m2. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, không ít người tỏ ra lo ngại về tính khả thi và hệ lụy khó lường của những quy định này. Báo Hànôịmới xin trích đăng một số ý kiến của độc giả.
Việc xây dựng căn hộ có diện tích tối thiểu 25m2 phải bảo đảm về quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng. Ảnh: Thái Hiền
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam:
Cần tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước
Theo quan điểm cá nhân tôi, đề xuất của Bộ Xây dựng tại Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư cho phép làm căn hộ 25m2 là hoàn toàn hợp lý, nhằm đa dạng hóa nguồn cung, phục vụ được nhiều tầng lớp, đối tượng có nhu cầu nhà ở.
Tuy nhiên, việc xây dựng căn hộ diện tích 25m2 chỉ nên triển khai thành những khu riêng biệt. Hoặc nếu xây dựng chung vào các khu nhà ở thương mại thì Nhà nước cần quy định cụ thể về tỷ lệ xây dựng trên cơ sở cân đối tổng số dân, cơ cấu căn hộ nhưng không vượt quá quy chuẩn cho phép và đặc biệt là hạ tầng phải đáp ứng. Hiện nay, nhiều người lo ngại việc chia nhỏ căn hộ sẽ phát sinh tình trạng quá tải dân số, hình thành các khu “ổ chuột” trên cao, gây áp lực cho hạ tầng đô thị.
Theo tôi, nếu công tác quản lý của Nhà nước được tăng cường, chất lượng cuộc sống, dịch vụ, hạ tầng tại các khu nhà ở diện tích nhỏ được bảo đảm thì sẽ không xảy ra chuyện đó.
Trên thế giới đã có nhiều quốc gia xây dựng căn hộ diện tích nhỏ dành cho người độc thân, vợ chồng trẻ... và họ làm tốt công tác quy hoạch, quản lý, đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng... nên các khu chung cư này vẫn rất khang trang, sạch đẹp.
Ông Phạm Hải Bình - Chủ tịch UBND phường Đại Kim, quận Hoàng Mai:
Cần tính toán kỹ mật độ dân số và chất lượng sống cho cư dân
Đề xuất cho phép xây dựng căn hộ 25m2 sẽ có tác động hai mặt: Mặt tích cực là tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp được sở hữu nhà. Nhưng mặt khác sẽ tác động lớn đến hạ tầng xã hội và gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền địa phương.
Ví dụ, ngay tại Dự án nhà ở xã hội Kim Văn - Kim Lũ trên địa bàn phường, tại đây tập trung tới 4 tòa nhà cao 45 tầng, mỗi tầng 25 căn hộ, diện tích từ 58m2 đến 69m2/căn. Như vậy, chỉ trên diện tích khoảng 2ha có tới hơn 4.000 căn hộ với khoảng 1,6 vạn cư dân sinh sống, nhiều hơn cả dân số của phường Trần Phú (quận Hoàng Mai).
Thực tế này khiến công tác quản lý nhân khẩu, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy… của chính quyền địa phương gặp vô vàn khó khăn. Dự án cũng không có đất dành cho cây xanh, vườn hoa, trường học nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của cư dân…
Do đó, nếu đề xuất cho phép xây dựng căn hộ có diện tích nhỏ, cần tính toán các yếu tố như mật độ xây dựng, số tầng của các tòa nhà, kèm theo đó là hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm… để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cư dân và tránh gây áp lực lên hạ tầng xã hội cũng như giảm tải cho công tác quản lý của chính quyền sở tại.
Ông Đặng Duy Chung - Giám đốc Công ty TNHH Sắc Việt (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm):
Bài học về những bất cập của các chung cư cũ vẫn còn nguyên giá trị
Là một công ty nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cho thuê sàn thương mại, tôi cho rằng diện tích 25m2 chỉ phù hợp với căn hộ du lịch, văn phòng, hộ độc thân và hộ có thu nhập thấp. Bài học về các chung cư cũ có diện tích từ 20m2 đến 40m2 vẫn còn nguyên giá trị khi hầu hết đều xảy ra tình trạng nhà “đeo ba - lô”, cơi nới, chiếm dụng diện tích sinh hoạt chung…
Hay như các khu nhà ở xã hội tại Linh Đàm (Hoàng Mai), Xa La (Hà Đông)…, diện tích căn hộ quá nhỏ trong khi các tòa nhà được xây dựng lên tới 40 tầng khiến mỗi tòa nhà phải “gánh” hàng nghìn căn hộ. Hệ quả là toàn bộ hạ tầng bên trong và ngoài các tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng chỉ trong thời gian ngắn.
Thử tưởng tượng, nếu các tòa nhà này tiếp tục được “băm” nhỏ với những căn hộ vẻn vẹn 25m2 thì số lượng căn hộ và cư dân sinh sống tại mỗi tòa sẽ tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần. Khi đó, không chỉ hạ tầng quá tải mà ngay cả không gian sinh hoạt của cư dân cũng bị bóp nghẹt.
Bà Nguyễn Thị Quyên, Khu đô thị Đại Thanh, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì:
Chỉ cho phép xây dựng nhà diện tích nhỏ khi hạ tầng đáp ứng
Hiện gia đình tôi sinh sống tại một tòa chung cư trong Khu đô thị Đại Thanh, huyện Thanh Trì. Tại đây tập trung tới 6 tòa chung cư với khoảng trên 4.000 căn hộ. Mật độ dân cư quá đông trong khi diện tích sân chơi, công trình phục vụ mục đích công cộng lại hẹp.
Mỗi tòa chỉ có 5 thang máy nên thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải thang máy vào giờ cao điểm sáng, chiều. Việc sử dụng chỗ để phương tiện dưới tầng hầm cũng là “cực hình” với cư dân do bị quá tải trầm trọng. Công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường tại đây thường xuyên không được bảo đảm.
Chưa kể, khu vực này liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông do mật độ cư dân trong khu đô thị quá đông, trong khi hạ tầng giao thông xung quanh chật hẹp, xuống cấp.
Từ thực trạng này tôi thấy, nếu chủ đầu tư chỉ lo xây nhà để bán, không quan tâm đến đời sống của cư dân thì kiên quyết không cho xây những căn hộ diện tích nhỏ để tránh đi vào “vết xe đổ” như tại Khu đô thị Đại Thanh.