Dự thảo quy định khám chữa bệnh cần được làm rõ
Theo các đại biểu Quốc hội, nhiều nội dung của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần phải nghiên cứu, quy định rõ và cụ thể hơn.
Nhiều nội dung chưa quy định chưa rõ
Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các quy định liên quan đến giấy phép hành nghề. Trước đây quy định cấp một lần nhưng hiện nay có thời hạn 5 năm và giao Hội đồng y khoa quốc gia là cơ quan đánh giá sát hạch; cần làm rõ mô hình của Hội đồng y khoa quốc gia trực thuộc cơ quan nào… Tương tự, đối với vấn đề xã hội hóa chỉ quy định “được ưu tiên theo quy định của pháp luật” nhưng không quy định cụ thể được ưu tiên vấn đề nào.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý , đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp.
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đánh giá cao dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được trình tại Kỳ họp thứ 4. Đại biểu cho rằng, dự thảo cơ bản tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại kỳ họp trước. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng có nhiều nội dung cần phải nghiên cứu, quy định rõ, cụ thể hơn.
Đối chiếu với mục tiêu xuyên suốt của Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, trong đó nêu rõ xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế và có nền y học khoa học, dân tộc và hiện đại.
Tuy nhiên, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, trong dự thảo luật vẫn chưa cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết trong dự thảo luật. Điển hình như các quy định về cơ sở khám chữa bệnh công lập, xã hội hóa, giá dịch vụ, phân cấp chuyên môn, giấy phép hành nghề, khám, chữa bệnh từ xa, dinh dưỡng trong khám, chữa bệnh… Đây là những vấn đề mới nhưng vẫn chưa làm rõ trong dự thảo luật.
Lấy ví dụ quy định về phân cấp, đại biểu Tạ Văn Hạ - cho hay, trước đây tiến hành phân cấp theo tuyến nhưng dự thảo luật phân cấp theo chuyên môn kỹ thuật, trong đó có 3 cấp: cấp ban đầu, cấp cơ bản và cấp chuyên sâu.
Đại biểu đồng tình với việc phân cấp này và khẳng định đây là nội dung mới trong dự thảo luật, nhưng nhiều nội dung chưa quy định chưa rõ. Ban soạn thảo chưa làm rõ mối quan hệ giữa của các cấp bệnh viện như thế nào, từ cấp ban đầu lên cấp cơ bản, đến cấp chuyên sâu? Mối quan hệ giữa cơ sở công lập và tư nhân? Chính sách của Nhà nước đối với từng cấp này được quy định cụ thể ra sao?
Cần thêm thời gian để nghiên cứu
Đề cập đến vấn đề xã hội hóa, đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái – cho hay, hiện có rất nhiều vướng mắc là thực hiện xã hội hóa - nguyên nhân dẫn đến nhiều sai phạm trong thực hiện. Trong khi dự thảo Luật chỉ có một điều quy định về vấn đề này là Điều 107.
Đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật hiện nay không thể giải quyết những bất cập hiện nay. Đại biểu dẫn chứng như quy định về hình thức huy động xã hội hóa chịu sự chi phối của nhiều luật khác như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công… Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu quy định đầy đủ và rõ ràng hơn về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Góp ý về nội dung quy định quyền cơ sở khám chữa bệnh, đại biểu Khang Thị Mào nêu rõ, tại Khoản 7 Điều 57 dự thảo Luật quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được tổ chức cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ khác theo yêu cầu của người bệnh.
Người đại diện của người bệnh trong phạm vi chuyên môn chức năng, nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ.
Đại biểu cho rằng, quy định này có thể hiểu là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu nhưng nội dung quy định còn quá chung và chưa rõ ràng bởi vì không rõ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là cơ quan nào, nội dung phê duyệt là gì, các điều kiện phải đáp ứng theo quy định của Chính phủ là những điều kiện gì?
Nội dung này dự thảo Luật cũng không giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Như vậy sẽ không thể thực hiện được. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung làm rõ hơn nội dung quy định này.
Đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến, về chi phí khám bệnh chữa bệnh, Dự án Luật vẫn chưa làm sáng tỏ, chưa đề ra được nguyên tắc tính đúng tính đủ. Sau khi tính đúng tính đủ thì phải thực hiện chi đúng chi đủ. Nếu không chi rõ ràng thì đội ngũ y tế vẫn không thể làm tốt được nhiệm vụ.
Vì vậy, cần thiết kế các điều khoản chặt chẽ để quy định rõ vấn đề này. Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần rà soát toàn bộ Dự án Luật vì có nhiều chính sách đến tận năm 2027, 2032 mới thực hiện, hay rất nhiều chính sách mới, lớn cần phải đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. Do đó, theo đại biểu cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thảo luận tiếp về Dự án Luật này tại Kỳ họp tiếp theo để đảm bảo tính khả thi khi đưa vào áp dụng.