Dự thảo Quy hoạch điện VIII không đưa 6.800 MW nhiệt điện than vào cân đối
5 dự án điện than tổng công suất 6.800 MW có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn nên không được đưa vào cân đối và bù bằng các nguồn khác, chủ yếu là điện gió và sinh khối.
Tại tờ trình Chính phủ số 6328/TTr-BCT ngày 13/10 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Bộ này đã không đưa 6.800 MW nhiệt điện than vào cân đối.
Theo kết quả rà soát các dự án nhiệt điện than đến hết tháng 9/2022, Việt Nam đã có 39 nhà máy với tổng công suất 24.674 MW hiện đang vận hành. Hiện nay, còn 12 dự án nhiệt điện than 13.792 MW đã được giao chủ đầu tư, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và đang triển khai xây dựng gồm: 7 dự án/6.992 MW đang xây dựng là Thái Bình II, Long Phú I, Quảng Trạch I, Vân Phong I, Vũng Áng II, An Khánh Bắc Giang, Na Dương II.
Trong đó, một số dự án đã thu xếp được vốn, đang xây dựng và chắc chắn sẽ vào vận hành là Thái Bình II, Quảng Trạch I, Vân Phong 1, Vũng Áng II. Dự án Long Phú I đang đàm phán với tổng thầu để triển khai tiếp. 2 dự án An Khánh Bắc Giang và Na Dương II đã có phương án vay vốn trong nước.
Còn lại 5 dự án có tổng công suất 6.800 MW đang chuẩn bị đầu tư, nhưng có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn, bao gồm Công Thanh (600 MW), Quảng Trị (1.200 MW), Sông Hậu II (2.000 MW), Nam Định 1 (1.200 MW), Vĩnh Tân III (1.800 MW).
Theo Bộ Công Thương, trong các ngày từ 4-6/10/2022, Bộ đã tiếp tục làm việc với 5 chủ đầu tư các dự án trên và yêu cầu các chủ đầu tư nếu không dừng dự án thì phải cung cấp được cam kết cụ thể bằng văn bản của chủ thể cho vay vốn, chậm nhất 30/10/2022.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay, xét trên bối cảnh thực tế các dự án đang phải tìm cổ đông mới tham gia và tìm nguồn vốn, việc triển khai tiếp các dự án này là rất khó khăn. Do đó, trong tính toán quy hoạch lần này, Bộ Công Thương không đưa 6.800 MW các dự án này vào cân đối và bù bằng các nguồn khác, chủ yếu là điện gió, sinh khối. Nhưng để tuyệt đối tránh rủi ro pháp lý và đền bù Nhà nước, các dự án này vẫn để trong danh mục cho đến khi hoàn tất chính thức các thủ tục dừng, chấm dứt dự án.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, rà soát các qui định của pháp luật, các cam kết, thỏa thuận giữa các bên, xử lý cương quyết, chặt chẽ.
Trước đó, trong quá trình rà soát trước đây, Bộ Công Thương đã đề xuất không đưa vào Quy hoạch điện VIII 13.220 MW nhiệt điện than. Trong đó có 8.420 MW do các Tập đoàn Nhà nước được giao làm chủ đầu tư.
Thay thế than, khí bằng nhiên liệu không phát thải
Cũng tại tờ trình lần này, Bộ Công Thương cho biết, về chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện chạy than và khí, thế giới hiện đang thử nghiệm công nghệ đốt kèm sinh khối/amoniac với than, đốt kèm hydro với khí thiên nhiên nhằm giảm phát thải của các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí, tiến tới sản xuất điện hoàn toàn bằng nhiên liệu không phát thải. Vì vậy, Quy hoạch điện VIII đã định hướng quá trình chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí tại Việt Nam đến năm 2050.
Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện than dự kiến đốt kèm nhiên liệu sinh khối hoặc amoniac sau 20 năm vận hành với tỷ lệ đất kèm bắt đầu từ 20%, tăng dần dần lên 100%. Định hướng tới năm 2050 sẽ không còn nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong hệ thống điện.
Các nhà máy điện khí dự kiến đốt kèm hydro từ sau năm 2030, bắt đầu từ tỷ lệ 20%, tăng dần lên 100%. Trong tương lai, nếu công nghệ chín muồi, giá thành hydro giảm thì sẽ xây dựng các nhà máy điện thế hệ mới sử dụng hoàn toàn hydro. Định hướng đến năm 2050, phần lớn các nhà máy nhiệt điện khí sẽ chuyển sang sử dụng hydro.
Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ước tính nhu cầu hydro để thay thế khí và sản xuất amoniac thay thế than khoảng 40 triệu tấn vào năm 2050. Trong đó, dự kiến 33 triệu tấn hydro xanh được sản xuất từ các nguồn điện gió và điện mặt trời.
Quy hoạch điện VIII đã xác định các dự án điện gió, điện mặt trời phục vụ sản xuất hydro, không bán điện lên lưới điện quốc gia thuộc nhóm ưu tiên phát triển.